Sinh viên nghèo mưu sinh
Từ cuối tháng 12/2022, trên các trang mạng xã hội, nhiều chủ vườn vẫn đang khẩn trương đăng tin tuyển lao động thời vụ chăm sóc cho kịp vụ Tết Quý Mão 2023. Theo đó, các bài đăng với mức lương hấp dẫn, dao động từ 160.000-180.000 đồng/8 tiếng, tùy theo năng lực mỗi người. Thời gian làm việc bắt đầu từ 7-11h và từ 13-17h. Đây là thời điểm tốt cho sinh viên, người có thu nhập thấp tìm kiếm việc làm thời vụ, trang trải cho cuộc sống vào dịp Tết.
Đi ngang các làng hoa Đà Nẵng vào thời điểm này, mọi người đều sẽ nghe tiếng trò chuyện rôm rả, lớn tiếng từ trong vườn phát ra ngoài. Mấy ai biết, đó là tiếng trò chuyện của nhiều nhóm sinh viên trong lúc miệt mài, hái lá, ngắt nụ hoa cúc làm thời vụ phát ra. Họ là những chàng trai, cô gái sinh viên nghèo, có hoàn cảnh ngặt nghèo đang mưu sinh tại vườn dịp cuối năm.
Sinh viên Thúy Ngân (SN 2001, quê Quảng Ngãi), sinh viên năm 4 Trường ĐH Duy Tân những ngày này vẫn đang chăm chỉ làm việc tại làng hoa phường Hoà Cường Bắc (quận Hải Châu) để kiếm thêm thu nhập. Trước đó, trong lúc xem mạng xã hội, vô tình thấy bài đăng tuyển thời vụ của các nhà vườn, Ngân liền đăng kí tham gia.
“Vừa thi học kỳ xong, có thời gian rảnh rỗi nên em quyết định lên mạng xã hội facebook tìm kiếm việc làm thời vụ. Rất may, gần tới Tết mà các nhà vườn đang thiếu công nhân, vừa có tiền xe về quê, vừa có thể đỡ đần cho ba một phần đồ Tết ở quê”, Ngân nói.
Vừa xin việc vào vườn hoa ở quận Cẩm Lệ được hơn một tuần, đang tỉ mỉ ngắt từng nụ hoa, Nguyễn Thành Đạt (SN 2004, quê ở Hà Tĩnh), sinh viên năm nhất Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng kể: Vốn là con nhà nghèo, bố mẹ quanh năm 'bán mặt cho đắt, bán lưng cho trời' số tiền đi làm thuê ít ỏi đủ để cho em trang trải học phí. Ấp ủ đi làm phụ giúp bố mẹ, nhân dịp các nhà vườn đăng tin tuyển nhân công thời vụ, em đăng kí tham gia luôn.
“Đây là lần đầu tiên làm việc này trong suốt nhiều giờ đồng hồ, thế nhưng, làm nông quen rồi nên em thấy công việc rất nhẹ nhàng, thoải mái hơn, lương cũng nhỉnh”, Đạt cười bảo.
Chị Lương Thị Hà - chủ vườn lớn nhất tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ - chia sẻ, vào gần Tết hàng năm, hầu như các chủ vườn tại làng hoa đều thuê thêm công nhân thời vụ để kịp vụ tết. Không có ai giới thiệu nên chị đăng tải lên mạng xã hội facebook để tìm kiếm nhân công.
“Sau khi đăng tải thông tin tuyển dụng lên mạng xã hội, bài viết của tôi đã thu hút nhiều bạn tới xin việc. Hiện tại, vườn tôi có 7 người, trong đó có tới 6 bạn là sinh viên. Một người còn lại là công nhân vừa mới bị mất việc đầu tháng 11. Từ giờ tới Tết, nhiều công nhân có thể kiếm được từ 2- 3 triệu đồng để về quê”, chị Hà cho biết.
Phao cứu sinh
Cuối năm, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam gặp khó khăn về đơn hàng, nguyên liệu đầu vào khiến hàng triệu công nhân mất việc. Trong đó, hơn 1.000 người bị mất việc, giảm giờ làm tại cty trong khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng vì hết đơn hàng.
Cứ 7h sáng, trên cánh đồng hoa ở quận Hải Châu, một nhóm nữ công nhân cặm cụi ngắt lá, lặt chồi. Họ đều là công nhân Khu công nghiệp Đà Nẵng bị sa thải đầu tháng cuối tháng 11 do doanh nghiệp không còn đơn hàng.
Chị Võ Thu Hà (27 tuổi, quê ở Quảng Trị) chia sẻ, cty cổ phần túi xách trong khu công nghiệp Đà Nẵng của chị hết đơn hàng, vậy nên vợ chồng chị phải nghỉ việc ở nhà.
“Vào dịp Tết, tôi chỉ biết trông chờ vào đồng lương cuối năm và đồng thưởng Tết để lo về quê ăn Tết cho vui vẻ và ấm cúng, thế nhưng thông báo nghỉ việc ập tới. Xin được lặt chồi, tôi như vớ được ‘phao cứu sinh’ trong giai đoạn này”, chị Hà chia sẻ.
Giữa trời nắng chang chang, chị Đinh Thị Lê (39 tuổi, quê ở Nam Định) có thâm niên 5 năm trong ngành may mặc vẫn đang cặm cúi mặt xuống chậu hoa cúc, len lỏi đôi bàn tay của mình ngắt từng nụ hoa nhỏ. Nghỉ việc đầu tháng 12, chị Lê sống với đồng lương ít ỏi qua ngày, lúc định về quê, thấy tin tuyển dụng của các nhà vườn tại quận Cẩm Lệ, chị mừng rơi nước mắt.
“Nghĩ thầm trong bụng, tôi sẽ làm toàn thời gian, kiếm thêm ít tiền về biếu bố mẹ, mua cho con ở quê mấy bộ quần áo mới mặc Tết”, chị Lê bày tỏ.
Nhờ những vụ hoa Tết, công nhân mất việc vừa qua, đã có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống trong dịp Tết. “Những đồng lương làm thời vụ tại vườn hoa có giá trị gấp nhiều lần so với trước, bởi, nó giúp tôi trong sống và trở về quê trong một hoàn cảnh ‘ngặt nghèo’ này. Không những thế, nó còn làm tôi vơi đi những nỗi lo như tiền xe về quê, quà biếu bố mẹ, tiền lì xì...”, chị Võ Thị Hà xúc động nói.