Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, tất cả cao tốc tại Việt Nam bắt buộc áp dụng hình thức thu phí không dừng từ ngày 1/8. Đến tháng 7, cả nước có 3,5 triệu phương tiện đã được dán thẻ, đạt hơn 70% tổng số ôtô.
Thu phí không dừng hay thu phí điện tử (ETC) là ý tưởng được khởi xướng bởi Giáo sư kinh tế học người Mỹ William Vickrey từ năm 1959. Na Uy tiên phong áp dụng ETC rộng rãi từ 1986 trong khi Italy là nước đầu tiên triển khai trên đường cao tốc ở quy mô quốc gia năm 1989. Công nghệ này cũng dần được sử dụng ở nhiều quốc gia phát triển khác như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu từ 1990.
Cùng cơ chế sử dụng hệ thống không dây để tự động thu phí phương tiện nhưng ETC đang có bốn công nghệ chính là DSRC (Giao tiếp tầm ngắn chuyên dụng), RFID (Nhận dạng tần số vô tuyến điện), ANPR (Nhận dạng biển số tự động) và GNSS (Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu).
Trong đó, hai hệ thống phổ biến nhất là DSRC được sử dụng bởi liên minh châu Âu, Singapore, còn đa số các nước khác, trong đó có Việt Nam và nhiều bang ở Mỹ, đều sử dụng RFID.
So với các công nghệ khác, RFID có nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm.
Chi phí thấp nhất, dễ triển khai
Liên minh châu Âu đang sử dụng tiêu chuẩn chung dùng công nghệ DSRC cần các cục thu OBU đặt trong mỗi xe với giá 8-10 Euro (190.000-240.000 đồng). Thiết bị này cần pin để hoạt động và phải thay thế sau khoảng 5 năm hoặc lâu hơn. Tại một số nước như Singapore, giá lắp đặt lần đầu thiết bị OBU rất cao, gần 160 SGD (2,7 triệu đồng). Ngoài ra, theo Itsinternational, chi phí sử dụng, bảo dưỡng các trạm đọc dữ liệu xe ra vào cũng cao hơn so với công nghệ RFID.
Công nghệ nhận dạng biển số tự động ANPR không cần thiết bị chuyên dụng đặt trong xe nhưng đòi hỏi các trạm thu phí phải trang bị camera độ nét cao để có thể đọc nhanh và chính xác biển số. Ngoài ra, hệ thống cần kết nối với dữ liệu biển số xe của quốc gia để xác định loại xe, mức biểu phí phù hợp.
Công nghệ GNSS lại cần đến các mô-đun định vị vệ tinh và thông tin phương tiện gắn trên xe để kiểm soát với giá cao hơn cả DSRC.
Trong khi đó, với công nghệ RFID Việt Nam đang áp dụng, chi phí triển khai rẻ hơn nhiều. Theo Itsinternational, chi phí cho thẻ/nhãn dán chỉ khoảng một Euro (24.000 đồng). Miếng dán này hoạt động không cần pin nên trên lý thuyết, mỗi thẻ có thể đi theo hết vòng đời của phương tiện.
Thời gian đầu, hai đơn vị cung cấp tại Việt Nam là VDTC (thẻ ePass) và VETC đều dán miễn phí cho các xe tận nhà hoặc tại các trạm thu phí. Từ 1/8, mức phí dán mới cho các xe là khoảng 120.000 đồng. Thẻ RFID kích thước rất nhỏ, có thể dán trên đèn, kính xe tùy mỗi phương tiện. Người dùng nên đến trực tiếp đơn vị cung cấp để dán, kiểm tra khả năng nhận diện bằng máy chuyên dụng trước khi lưu thông.
Được nhiều nước sử dụng
Ngay cả tại châu Âu, nơi sử dụng phổ biến chuẩn DSRC, nhiều nước cũng bắt đầu thử nghiệm chuyển sang RFID. Các dự án như đường hầm Herrent ở Đức, cầu Mersey của Anh và một số mạng lưới ở Thổ Nhĩ Kỳ đều dùng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến điện. Pháp cũng bắt đầu thử nghiệm thu phí cao tốc qua RFID.
Áp dụng cho nhiều dịch vụ khác
Nhờ hiệu quả về mặt chi phí triển khai, dễ dàng lắp đặt, ngoài thu phí đường bộ, RFID được một số nước áp dụng cho những dịch vụ khác như bãi đỗ xe, quản lý giao thông hoặc kiểm soát ra vào công sở. Với cùng một thẻ ETC, một tài khoản định danh, người dùng có thể trả nhiều dịch vụ khác nhau liên quan đến phương tiện. Các công ty, cơ quan nhà nước có thể dùng công nghệ này để tự động cho phép xe ra vào nếu đủ điều kiện.
Kém bảo mật
Được nhiều nước sử dụng nhờ giá rẻ nhưng độ bảo mật của RFID kém hơn so với DSRC. Các thông tin về xe được lưu lại trong OBU khi sử dụng DSRC nên chủ xe khó lòng thay đổi, gian lận. Còn với công nghệ RFID như tại Việt Nam, nhiều nước phải triển khai thêm camera đọc biển số xe để kiểm tra chéo thông tin, hạn chế tình trạng gian lận của tài xế.
Tuy nhiên, việc sử dụng camera này có nhiều bất cập, như đòi hỏi thêm chi phí lắp đặt, thời tiết xấu có thể ảnh hưởng khả năng đọc biển số hay tình trạng che biển số tránh phạt nguội của nhiều tài xế.
Để hạn chế gian lận, một số nước bắt đầu nghiên cứu tích hợp thẳng RFID vào biển số xe để nhận dạng phương tiện điện tử (EVI). Điều này giúp giảm nguồn lực phân phối thẻ cũng như đảm bảo dữ liệu thông tin chính xác nhất.
Phù hợp cho bốn giai đoạn thu phí không dừng tại Việt Nam
Theo Bộ Giao thông Vận tải, thu phí không dừng ở Việt Nam sẽ gồm bốn giai đoạn và hiện mới chỉ ở giai đoạn một. Đến giai đoạn bốn, dự kiến từ 2026, các tuyến đường sẽ không còn trạm thu phí, không còn đảo thu phí mà chỉ duy trì giá long môn cùng các thiết bị đọc gắn trên giá. Phương tiện di chuyển các điểm này vẫn giữ nguyên tốc độ và được tự động tính phí đường bộ. Công nghệ RFID đang được áp dụng hiện tại đủ điều kiện đọc dữ liệu khi xe di chuyển ở tốc độ cao mà không cần đi chậm hoặc dừng hẳn ở các trạm.
Theo phản ánh của một số tài xế, tốc độ đọc thẻ ở Việt Nam hiện chưa cao. Một số trường hợp xe đi qua phải chờ vài giây để barie mở thay vì duy trì tốc độ trên 40 km/giờ. Nhiều người cũng phản ánh tình trạng thẻ khó nhận và phải chuyển vị trí dán thẻ. Các chuyên gia cho rằng tốc độ đóng mở barie còn phụ thuộc vào hệ thống liên kết giữa máy đọc RFID, máy tính, thiết bị cơ khí. Việc hệ thống hoạt động chậm không hẳn do công nghệ RFID và có thể khắc phục trong thời gian tới.