Tài chính

Công cuộc chuyển đổi sang nhiên liệu sạch bền vững của ngành hàng không toàn cầu

Tại Tuas, quận trung tâm của ngành công nghiệp nặng Singapore, một công ty Phần Lan có tên Neste Oyj đang tham vọng trở thành nhà sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) lớn nhất thế giới. Hàng chục nhân công đang lắp ráp những mái vòm kim loại khổng lồ để chứa dầu ăn thừa và mỡ động vật - nguyên liệu quan trọng để tạo ra dầu diesel sinh học hoặc SAF.

Sau khi đi vào hoạt động vào năm 2023, nhà máy Neste Oyj dự kiến sản xuất 1 triệu tấn nhiên liệu mỗi năm. Con số này khá lớn, song vẫn chưa bằng 0,3% nhu cầu nhiên liệu máy bay hàng năm trên toàn cầu. Dĩ nhiên, thứ gì khan hiếm đều sẽ tốn kém vô cùng: SAF có giá cao gấp 5 lần so với nhiên liệu máy bay phản lực truyền thống.

Đây là bài toán nan giải đối với ngành hàng không - lĩnh vực vốn dựa vào phần lớn các loại nhiên liệu không bền vững, và thậm chí, nan giải với cả SAF - yếu tố không thể thiếu trong nỗ lực trung hòa carbon. Tính đến thời điểm hiện tại, các hãng hàng không trên toàn cầu đóng góp hơn 2% tổng lượng khí thải, tức thấp hơn phần lớn các lĩnh vực vận tải khác.

Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, nhóm vận động hành lang cho 290 hãng hàng không, ngành công nghiệp này sẽ trung hòa carbon vào năm 2050. Đi được 65% chặng đường đồng nghĩa với việc công cuộc chuyển đổi sang SAF là có ý nghĩa. 

Tuy nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. SAF hiện chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng lượng nhiên liệu phục vụ cho máy bay phản lực. Theo Bloomberg NEF, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 4% vào năm 2030 và gần 6% vào năm 2050. Ngay cả khi tỷ lệ này tăng lên, mục tiêu thay thế 100% nhiên liệu máy bay bằng SAF vào năm 2050 là “quá tham vọng”, theo Bloomberg Intelligence.

Công cuộc chuyển đổi sang nhiên liệu sạch bền vững của ngành hàng không toàn cầu - Ảnh 1.

Sau khi đi vào hoạt động vào năm 2023, nhà máy Neste Oyj dự kiến sản xuất 1 triệu tấn nhiên liệu mỗi năm.

Không có phương án B dự phòng, song nếu xét trên phương diện tích cực, SAF vẫn đang đi trước một bước so với các sáng kiến xanh thay thế. Chẳng hạn như máy bay điện hoặc taxi bay cho đến nay vẫn chỉ có thể đi được quãng đường rất ngắn. Trong khi đó, các dự án máy bay chạy bằng năng lượng hydro vẫn chỉ là lý thuyết nằm trên giấy. 

Theo Cuneyt Kazokoglu, giám đốc công ty tư vấn năng lượng FGE có trụ sở tại London, có một số công nghệ khác giúp nhiều hãng hàng không trung hòa khí thải cacbon, song cho đến nay chúng vẫn chưa được phát minh và nghiên cứu. 

Hiện tại, SAF đang được sản xuất tại 17 nhà máy trên toàn cầu, tập trung nhiều nhất ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Chúng có thể dùng trong các chuyến bay thương mại, với điều kiện pha trộn 50% với nhiên liệu truyền thống. Rất nhiều các hãng hàng không cũng đã đưa SAF vào ứng dụng thực tế, song song với sự phô trương của giới truyền thông.

United Airlines Holdings, chuyến bay từ Chicago đến Washington DC vào tháng 12, đã sử dụng kết hợp 500 gallon SAF và nhiên liệu truyền thống “để chứng minh rằng không hề có sự khác biệt về hoạt động giữa hai động cơ”. Được biết, SAF trích rút đường từ ngô, củ cải đường và mía để tạo ra dầu nhớt tổng hợp. 

Singapore Airlines cam kết rằng đến quý III, tất cả các chuyến bay của SIA và Scoot sẽ sử dụng SAF hỗn hợp như một phần của dự án thử nghiệm. SAF sẽ được sản xuất từ dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật phế thải, sau đó trộn với nhiên liệu máy bay tinh chế tại các nhà máy của Exxon Mobil. Thành phẩm cuối cùng sẽ được vận chuyển đến sân bay Changi thông qua hệ thống cung cấp nhiên liệu hiện có.

Công cuộc chuyển đổi sang nhiên liệu sạch bền vững của ngành hàng không toàn cầu - Ảnh 2.

Ông Sami Jauhiainen, giám đốc điều hành mảng hàng không tại Neste.

Tính cả Neste, hiện có ít nhất 80 dự án sản xuất SAF bổ sung sắp được triển khai trên toàn cầu. Theo nghiên cứu của Aircraft Leasing Ireland, hiệp hội thương mại các bên cho thuê máy bay và Oliver Wyman, những nhà máy này có thể đáp ứng nhu cầu toàn ngành nếu hoạt động hết công suất và sản xuất độc quyền SAF.

Không chỉ dừng lại ở SAF, Neste tham vọng nhiều hơn thế bởi nhà máy trị giá 1,5 tỷ euro này còn có thể sản xuất dầu diesel sinh học. Hiện một số hãng hàng không, bao gồm British Airways IAG, Delta Airlines và United Airlines đã ký hợp đồng mua bán kỳ hạn khoảng 17 tỷ USD với SAF. 

“Thật khó để điều chỉnh giá nhiên liệu sạch SAF và giá nhiên liệu truyền thống tương đương nhau. Ngay cả khi quy mô mang lại hiệu quả tích cực, chúng tôi vẫn phải đối mặt với khoản phí bảo hiểm về lâu về dài”, Sami Jauhiainen, giám đốc điều hành mảng hàng không tại Neste cho biết. 

Với mức chi phí dự kiến 2.000 tỷ USD, các hãng hàng không có thể sẽ phải tăng giá vé để bù đắp cho chi phí sử dụng SAF. Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho một số du khách có thu nhập trung bình thấp. 

Một số quốc gia tại châu Âu, bao gồm Pháp, Na Uy và Thụy Điển, hiện đã yêu cầu các hãng hàng không sử dụng SAF. “Chúng tôi hy vọng cơ quan quản lý sẽ tạo ra sự chắc chắn trong nhu cầu thị trường trước khi ký cam kết trị giá hàng tỷ USD”, Jauhiainen nói. 

Công cuộc chuyển đổi sang nhiên liệu sạch bền vững của ngành hàng không toàn cầu - Ảnh 3.

Một số nguyên liệu thô để sản xuất SAF.

Tuy nhiên, một số hãng lại phản đối chính sách trên của chính phủ. Họ cho rằng việc tăng cường ứng dụng SAF không phải trách nhiệm của mình. 

"Việc buộc các hãng hàng không sử dụng một sản phẩm không có sẵn là điều vô lý", Tổng giám đốc IATA, Willie Walsh cho biết vào tháng 10 năm ngoái. "Thay vào đó, họ nên thúc đẩy các nhà cung cấp nhiên liệu". 

Được biết ngoài Neste, một số công ty lọc dầu lớn khác cũng đang đầu tư cho quá trình chuyển đổi nhiên liệu sạch. Shell dự kiến xây dựng một nhà máy nhiên liệu sinh học với công suất 550.000 tấn/năm tại Singapore, trong khi các nhà máy lọc dầu lớn của châu Á như Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc Sinopec và công ty Hyundai Oilbank của Hàn Quốc đang mở rộng quy mô sản xuất nhiên liệu sạch. 

Theo: Bloomberg 


Cùng chuyên mục

Đọc thêm