Chứng khoán

Cơn sốt công nghệ “không chừa một ai”, cổ phiếu công ty đang nắm cổ phần MoMo, Finhay, Galaxy EE bất ngờ tăng vọt

Giữa lúc nhóm chứng khoán lặng sóng, cổ phiếu TVS của Chứng khoán Thiên Việt lại bất ngờ tăng nóng cùng thanh khoản đột biến. Từ đầu tháng 6 đến nay, thị giá TVS đã tăng gần 25% lên mức 25.300 đồng/cp, cao nhất trong vòng hơn 2 năm kể từ giữa tháng 4/2022. Khối lượng giao dịch thường xuyên duy trì hàng triệu đơn vị mỗi phiên, sôi động nhất từ khi niêm yết.

photo-1718014919289

Cổ phiếu tăng mạnh đẩy vốn hóa thị trường của CTCK này lên trên 4.200 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn còn thấp hơn nhiều so với tham vọng của TVS. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, bà Nguyễn Thanh Thảo - CEO TVS cho biết công ty có tầm nhìn trở thành một ngân hàng đầu tư tiên phong và đáng tin cậy. Mục tiêu tới 2027 có vốn hóa đạt 25.000 tỷ đồng (~1 tỷ USD)

Câu chuyện sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu không đi sâu vào danh mục đầu tư của TVS. Ngoài những cổ phiếu niêm yết trong danh mục tự doanh thông thường, TVS còn đang rót vốn vào nhiều startup công nghệ đáng chú ý như CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) - chủ sở hữu ví điện tử MoMo, CTCP Finhay (Finhay), CTCP Giải trí và Giáo dục Galaxy (Galaxy EE),…

photo-1718014970745

Nguồn: BCTC quý 1/2024 của TVS

Cái tên đáng chú ý nhất trong danh mục đầu tư của TVS phải kể đến "kỳ lân" công nghệ MoMo. Theo ghi nhận trên BCTC quý 1/2024, khoản đầu tư của TVS vào đơn vị chủ quản của MoMo là M_Service có giá gốc chỉ chưa đến 28 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị của khoản đầu tư này đã cao hơn gấp nhiều lần.

Hồi cuối năm 2021, M_Service đã công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E), nhận số tiền đầu tư khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Trước đó, tờ Nikkei cũng cho biết ngân hàng Mizuho dự kiến đầu tư tối đa 170 triệu USD cho 7,5% cổ phần, tương ứng định giá MoMo vào khoảng 2,27 tỷ USD.

Trước thương vụ trên, Chứng khoán Thiên Việt sở hữu 918.414 cổ phần M-Service, tương ứng gần 6% vốn cổ phần chủ sở hữu ví điện tử MoMo. Ước tính, khoản đầu tư của TVS tại đây có thể có giá trị lên đến 120 triệu USD, tương đương gần 2.800 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần giá vốn mà CTCK này bỏ ra.

Bên cạnh M-Service, TVS còn là nhà đầu tư thiên thần vào một fintech là CTCP Finhay Việt Nam, chủ ứng dụng đầu tư Finhay. Tháng 6/2022, Finhay đã huy động thành công 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B được dẫn dắt bởi Openspace Ventures (OSV) có trụ sở tại Singapore và quỹ Vietnam Investment Group (VIG) tại Việt Nam, cùng sự tham gia của TVS.

Trong một diễn biến liên quan khác, hồi tháng 6/2022, M_Service đã hoàn tất việc thâu tóm 49% cổ phần của CTCP Chứng khoán CV (CVS). Trước đó, vào đầu năm 2022, Finhay Việt Nam cũng đã hoàn tất mua lại một công ty chứng khoán khác là CTCP Chứng khoán Vina (Vina Securities - VNSC).

Trong khi đó, CTCP Giải trí và Giáo dịch Galaxy (Galaxy EE) và TVS có thể coi là "anh em" một nhà khi có cùng nhóm cổ đông sáng lập. Galaxy EE vận hành hệ sinh thái đa dạng trong các lĩnh vực: sản xuất và phát hành phim (Galaxy Studio), nền tảng xem phim trực tuyến (Galaxy Play), nền tảng giáo dục trực tuyến (Galaxy Education), xuất bản và truyền thông trực tuyến (Galaxy Media), sản xuất phim (Galaxy Sutdio).

Galaxy Studio là nhà sản xuất và phát hành nhiều bộ phim Việt đình đám, như "Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ xanh", "Em và Trịnh", "Mắt Biếc". Công ty này cũng là đơn vị phát hành phim độc quyền cho Hãng Walt Disney, Hãng Sony Picture và các hãng phim độc lập danh tiếng của thế giới tại Việt Nam. Ngoài ra, đơn vị này còn sở hữu hệ thống rạp chiếu phim Galaxy Cinema với 18 cụm rạp trên cả nước.

Không chỉ bén duyên với các startup, ngay trong thượng tầng TVS còn có sự hiện diện của một nhân vật nổi tiếng trong giới khởi nghiệp là ông Phan Minh Tâm. Doanh nhân này tham gia HĐQT TVS từ năm 2010 với tư cách thành viên HĐQT độc lập. Ông Tâm hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Simple Tech Investment Holding Group (STI), tập đoàn đầu tư và điều hành nhiều lĩnh vực kinh doanh trên các lĩnh vực truyền thông, ô tô, giáo dục, công nghệ và nhân sự.

Các công ty trong danh mục đầu tư của STI Holdings hoạt động trên nhiều lĩnh vực đa dạng như truyền thông, quảng cáo, tuyển dụng, bán lẻ và giáo dục. Nổi bật nhất có thể kể đến là Tập đoàn Truyền thông 24H, Hệ thống Salon Cắt Tóc Nam 30Shine, CTCP Nguồn nhân lực Siêu Việt, CTCP Anycar Việt Nam,…

Về phía TVS, CTCK này lên kế hoạch năm 2024 khá khiêm tốn với mục tiêu lợi nhuận sau thuế gần 280 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Trong đó, thu nhập phần lớn tới từ đầu tư cổ phiếu (equity, 40%), quản lý quỹ (35%) và các khoản thu nhập cố định (fixed income, 20%). Công ty hiện chưa có kế hoạch tăng vốn nhưng dự kiến sẽ phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu.

"TVS vẫn đang để ngỏ phương án phát hành riêng lẻ khi thị trường tốt hơn nhưng điều kiện khi đó thị giá cổ phiếu phải phản ánh hết giá trị của công ty", CEO Nguyễn Thanh Thảo chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm