Đời sống ngày càng hiện đại, nhiều người trong chúng ta lớn lên, đi học, ra trường và bắt đầu đi làm trong những tòa nhà cao ốc, đầy đủ tiện nghi. Mặc dù, chốn công sở đông đúc ồn ào là thế, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy cô đơn, lạc lõng, không ai hiểu thấu lòng mình, không ai chia sẻ những nỗi niềm chôn giấu nơi đáy lòng.
Dần dà, nỗi cô đơn ấy sẽ chiếm ngự tâm hồn bạn, khiến bạn không thể hòa nhập với tập thể. Và từ đó, bạn trở nên chán nản nơi làm việc. Những chuỗi ngày đi làm chẳng còn niềm vui, sự hứng khởi.
Chia sẻ với mọi người, tôi - một cô nàng vừa ra trường, khá mông lung với những lựa chọn cuộc đời. Tôi thực sự không biết bản thân thích gì và muốn gì. Nhưng với áp lực tự lập tài chính để trụ lại đất Sài Gòn, tôi quyết định theo đuổi công việc trái ngành. Mỗi ngày đi làm, tôi đều có chút lo âu sợ sệt. Khi sếp giao những việc mà bản thân chưa từng làm, tôi rụt rè tự tìm cách giải quyết, không dám hỏi đồng nghiệp. Trói buộc trong sự mường mượng, tôi sợ người khác đánh giá bản thân thiếu kiến thức (chính xác là thiếu kinh nghiệm thật sự - tôi tự nhủ), sợ bị chê là phiền, hỏi nhiều…
Nếu bạn đang được làm công việc mình yêu thích? Xin chúc mừng, bạn thực sự rất may mắn. Nếu có ai đó như tôi, lựa chọn nghề không phải vì đam mê, cũng chẳng sao. Mọi thứ trong cuộc sống đều là những cuộc trao đổi. Bạn không thể tham lam mà giành giật hết mọi thứ về phía mình. Tôi cần tiền, tôi phải chấp nhận công việc mà mình chưa thực sự yêu thích nó.
Nhưng mỗi khi gặp khó khăn trong công việc, tôi thường ngồi "than thân trách phận". Nhưng than mãi, vấn đề vẫn còn đó mà chưa được giải quyết xong. Dần dần, tôi ngỡ ngàng nhận ra, việc than vãn chỉ làm cho người bên cạnh tôi và chính tôi cảm thấy "down mood" hơn mà thôi.
Khi nghe tôi kể, bạn thấy có vẻ mệt mỏi quá nhỉ! Vì cái tuổi trẻ thường có nhiều chênh vênh. Tôi thiết nghĩ, khủng hoảng tuổi đôi mươi là điều hầu hết mọi người đều phải trải qua - cho dù là những người thành công, giàu có nhất thế giới đi chăng nữa cũng phải vật lộn với tuổi đôi mươi đầy khó khăn này.
Trong chuỗi ngày tập thích nghi với công việc, tôi tình cờ đọc một cuốn sách có tựa đề: "Kết nối bất kì ai" của tác giả James Biết Tuốt (cộng đồng sách OOPSY) vào một chiều nắng nhạt. Tôi nhận ra, mình cũng đã từng trải qua những tình huống như các nhân vật chính trong cuốn sách này.
Câu chuyện kể về anh chàng giám đốc với cái tên dí dỏm: "Vô Hình". "Vô Hình" tự gọi mình như thế vì anh cảm thấy mình "vô danh" với mọi người. Phần lớn thời gian "Vô Hình" không giao tiếp với ai cả, tự đóng mình lại và cảm thấy những người xung quanh chẳng được việc, phiền phức, ngớ ngẩn… Một ngày "Vô Hình" chợt nhận ra, có phải mình đã sai rồi không? Và xuyên suốt những chương sách tiếp theo là hành trình "Vô Hình" tự chiêm nghiệm lại mình, nhận ra và sửa lỗi sai của bản thân. Qua từng trang sách, tôi thấy được bóng dáng của mình soi chiếu từ chính anh giám đốc "Vô Hình": Hay tự tị và luôn làm mọi thứ một mình.
Tôi thiết nghĩ, con người không thể nào sống mãi trên ốc đảo của riêng mình được, chúng ta cần có mạng lưới riêng kết rộng lớn để đi được xa hơn, để bay cao hơn trong hành trình tìm kiếm lẽ sống. Việc cởi mở tư duy để kết nối bất kì ai sẽ khiến công việc và cuộc sống thêm nhiều màu sắc hơn. Đó là một trong số những bài học, và còn rất nhiều bài học khác nữa mà tôi đã học được từ cuốn sách "Kết nối bất kì ai" của tác giả James Biết Tuốt.
"Đập bỏ" cái tôi, tìm người hỗ trợ
Tôi nghĩ, có lẽ ai bây giờ cũng đều biết tới điều này, nhưng thực hiện được lại chỉ có một số ít. Ai cũng muốn có nhiều mối quan hệ, nhưng chẳng ai chịu phá bỏ cái tôi định kiến để chủ động kết nối những mối quan hệ mới. Trong công việc hằng ngày của chúng ta cũng thế, dù đi học hay đi làm, việc gì cũng khó khăn, việc gì cũng quá sức. Có người chọn cách tự lực cánh sinh, bởi họ vốn có khả năng "tự chèo lái", tự vượt qua. Dòng nước cuộc đời đâu chỉ êm đềm, có khi đầy nước xiết. Người tự lèo lái con thuyền đời có thể vượt qua dòng nước êm đềm được, nhưng dòng nước xiết không được.
Vì vậy, ta cần có mạng lưới liên kết rộng lớn, chúng ta mới đi xa. Thế nhưng, mạng lưới rộng khắp đâu dễ tạo ra. Vì bản ngã trong mỗi người ngăn ta tạo lập mạng lưới. Số khác không thể vượt qua nỗi tự tin trong mình, không thể vượt qua sự tự ái của mình… Ta luôn nhận thức là thiếu năng lực, bản thân thấy kém cỏi… Ta bỗng tự thu bé mình lại trong những vách ngăn. Đành rằng, ai trong chúng ta cũng có vài lần lầm lỡ, vài phen thất bại, nhưng không có nghĩa là là dấu chấm hết. Hãy tự phá vỡ bức tường ngăn cách chính mình với mọi người để có thể kết nối với họ. Hãy là "cục wifi" phát đi tín hiệu trước, mọi người sẽ "bắt sóng" cùng với bạn. Đó là cách chúng ta kết nối với nhau.
Văn phòng có nhiều vách ngăn, ngăn cách con người. Hình như thứ ngăn cách lớn nhất không phải mấy bức tường kia, không phải cái cửa nào, cái vách chắn nào, mà là con người tự ngăn cách nhau. Để công việc trở nên hiệu quả, chúng ta cần phải nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Đó cũng là bài học đầu tiên được nhắc tới trong cuốn sách, để nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự kết nối!
Đừng sợ, hãy chia sẻ với đồng nghiệp, tạo mối tin tưởng
Hãy tự tạo cơ hội chia sẻ trong một buổi ăn trưa với đồng nghiệp. Tại sao bạn không thử chia sẻ điểm yếu, mối lo, khó khăn, bất an của bạn để họ tin tưởng bạn hơn? Lời tiếp thêm lời, rồi họ sẽ chia sẻ với bạn ngay thôi. Tốt nhất nên chân thành, vì thiếu chân thành giống như hàng giả, mọi người sẽ sớm phát hiện ra. Bạn sẽ bị đóng ngay cái dấu: "Kẻ lừa dối thích lấy lòng." Bất cứ khi nào bạn tiếp cận, họ sẽ bật cái tín hiệu cảnh báo trong đầu: "Đang muốn trục lợi từ mình ấy mà!"
Chia sẻ là công cụ tháo bỏ vách ngăn với nhau trong văn phòng, rồi bạn sẽ hòa nhập với điều mới. Trao đổi qua lại với đồng nghiệp, dần dà, mọi người có sự tin tưởng lẫn nhau. Chia sẻ chính là đưa ra một cơ hội để người khác giúp đỡ mình. Hơn thế, dám hỏi là bước tiến ban đầu cho bạn phá vỡ giới hạn trong chính mình.
Xin ý kiến cũng cần biết cách
Trong công việc hay cuộc sống, muốn người khác giúp, không phải cứ chạy đi tìm người ta rồi nói: "Hãy giúp tôi đi!", ta phải có cách. Ta phải kết nối người sẵn sàng góp ý phải hội tụ ba yếu tố: Người thẳng thắn góp ý, vô tư giúp đỡ và đầy trách nghiêm, là người khác rất bạn. Chẳng hạn bố mẹ sẽ biết các thói xấu của mình khi ở nhà, đồng nghiệp thân thiết sẽ hiểu các tính xấu của mình khi làm việc. Các anh chị cố vấn nhận ra cách làm khiếm khuyết của mình khi thực hiện một công việc lớn. Xin ý kiến người khác là cách tốt để bạn có thêm kinh nghiệm quý báu hoàn thiện bản thân. Đồng thời, khi hỏi ý kiến người khác, chúng ta cần dẹp bỏ lòng tự ái và dám nhìn nhận khiếm khuyết của chính mình thì mới phát triển được.
Hiện tại, bạn đã và đang chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chấp nhận những lời góp ý thẳng thắn từ người khác chưa? Có những khi sự giúp đỡ không đến dưới hình dạng dịu dàng mà là những góp ý thẳng thắn. Chấp nhận sự thẳng thắn, chấp nhận tổn thương, đó cũng là biểu hiện của việc sẵn lòng được giúp đỡ.
Công việc tức là việc công
Công việc tức là việc công, không phải của cá nhân. Một cá nhân xuất sắc là vì biết cách thiết lập những mạng lưới quan hệ, có lớp lang, trước sau, trên dưới. Trong công việc, vấn đề của một cá nhân cũng chính là vấn đề của cả nhóm. Chia sẻ vấn đề là mấu chốt để thay đổi và cải thiện cả nhóm, chứ không nhằm mục đích chỉ trích và đổ lỗi. Nếu có ai trót làm người còn lại tổn thương, hãy tha thứ cho nhau và cho mỗi người cơ hội để làm tốt hơn trong tương lai. Chúng ta hãy kiên nhẫn và tôn trọng nhau như cách mọi người luôn muốn được tôn trọng.
Đi làm phải có đồng nghiệp mới được. Đồng nghiệp tức là cùng làm một công việc, cùng làm một công việc thì tay trái phải giúp tay phải. Mỗi người một khâu, mỗi người một việc, hợp lại với nhau thì việc chung mới tốt.
Vậy đúc kết lại, ta cần phải làm thế nào để có thể kết nối bất kì ai trong công việc lẫn cuộc sống?
Không ai có thể sống một mình ngoài kia, trong tay chỉ có vó "vài mối quan hệ", con người là một tập thể, một cộng đồng để phát triển lớn mạnh hơn. Do vậy ta cần trao đi niềm tin, vì niềm tin chi phối mọi thứ, xây dựng niềm tin là nền tảng cơ bản giữa người với người. Tin tưởng và nhờ cậy là điều khiến chúng ta xích gần nhau hơn.
Tôi thiết nghĩ, quyển sách "Kết nối bất kì ai" là món quà dành cho những bạn trẻ đang loay hoay gỡ rối tơ lòng, giúp người trẻ xây dựng các mối quan hệ và gặt hái những bước tiến trong những lần tăng lương, thăng chức, tìm công việc mới… Cuộc sống này, đúng là ai cũng có công ăn việc làm và hàng ngàn nỗi lo khác nhau, thế nhưng, một khi đã bước vào bất kỳ một công việc gì đòi hỏi sự kết hợp giữa các cá nhân, các phòng ban, các mắt xích, vậy thì họ phải có trách nhiệm hoạt động, giao lưu với mọi người, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo sản phẩm sau cùng của dự án là một sản phẩm thành công, như ý.
"Kết nối bất kì ai" (tác giả James Biết Tuốt - cộng đồng sách OOPSY) là quyển nhật ký ghi chép, dễ đọc, dễ áp dụng, là tạo cầu nối giữa bản thân nhìn lại bản thân, giữa con người với con người ở nơi công sở quen thuộc. Bạn không hề cô đọc, và không nên cô độc nữa. Hãy dấn thân và chủ động kết nối bất kì ai bạn nhé!