Dave đang tự khiến mình mắc COVID-19 bằng cách tham gia một bữa tiệc của những người dương tính với virus SARS-CoV-2.
"Tôi đã đi dự tiệc, đến câu lạc bộ và cả phòng tập thể hình nữa", anh nói.
Người đàn ông 39 tuổi sống tại Sydney này và ví dụ điển hình nhất của những "COVID chasers", tức "Người chạy theo COVID". Họ cố tình mắc bệnh để được "tận hưởng" khoảng thời gian cách ly và tránh xa mọi phiền phức bên ngoài.
"Tôi làm kinh doanh nên thời gian nghỉ lễ gần như không có. Chính vì vậy, việc xác định thời điểm để nhiễm COVID-19 từ đầu năm rất quan trọng. Thời điểm này, khách tới quán không nhiều. Tôi sẽ sớm bình phục và quay trở lại phục vụ khi cửa hàng dần đông khách", anh Dave cho biết.
Ngày càng nhiều người Australia tự khiến mình mắc COVID-19
Dave không phải người duy nhất có suy nghĩ như vậy. Bà Marie, 49 tuổi, sống tại Brisbane, cũng muốn mình mắc COVID-19 sớm để công việc kinh doanh sắp tới không bị gián đoạn. Bà lên kế hoạch đến thăm cô con gái đang dương tính ở ngoại ô, tiếp xúc với con và mong muốn nhiễm COVID-19 nhanh nhất có thể.
"Tôi muốn mọi thứ chấm dứt trước khi đơn đặt tiệc cưới của tôi diễn ra vào tháng 2 tới. Sớm hay muộn cũng bị, nên tôi muốn dương tính theo cách mình muốn", bà Marie cho biết. "Mọi người có thể nói tôi điên, nhưng việc kinh doanh của tôi đã bị ảnh hưởng quá nhiều vì khách huỷ tiệc. Tôi không muốn đơn đặt hàng tiếp theo cũng phải huỷ do mình bị COVID-19".
Anh Mark, một người dân sống tại Sydney, cũng đã cố tình để mình nhiễm COVID-19 vào cuối tuần trước để không bỏ lỡ đám cưới em gái vào cuối tháng này. Thế nhưng, kế hoạch không thành khiến anh vô cùng tức giận.
"Tất cả mọi người trong bữa tiệc tại nhà của tôi đều dương tính, ngoại trừ tôi. Tôi cảm thấy rất bực mình".
Việc cố tình nhiễm COVID-19 không đáng để mạo hiểm
Dù biết có thể sẽ bị phạt tiền do không tuân thủ lệnh giãn cách, song cả anh Dave, Mark và bà Marie đều cùng muốn "săn tìm" COVID-19. Xu hướng này dĩ nhiên không được giới chức Australia ủng hộ.
Theo các chuyên gia, việc cố tình khiến mình bị mắc COVID-19 không đáng để mạo hiểm bởi di chứng sau đó vô cùng lớn
Theo Tiến sĩ Turville thuộc Viện Kirby, việc cố tình khiến mình bị mắc COVID-19 không đáng để mạo hiểm bởi di chứng sau đó vô cùng lớn, chẳng hạn như suy nhược kéo dài hoặc tử vong do mắc thể nặng.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nghĩ mình nhiễm Omicron, nhưng thực chất lại là một chủng khác nguy hiểm hơn nhiều. Hồi cuối tháng 11 năm ngoái, khi Omicron lây lan, tất cả chúng tôi đều chỉ đơn thuần nghĩ rằng đó là Delta", Tiến sĩ Turville nói.
Ông hi vọng điều này có thể khiến mọi người dừng làm những việc điên rồ, bởi cho đến nay, di chứng sau khi nhiễm Omicron vẫn là một ẩn số. Hơn nữa, theo Thủ tướng Australia Scott Morrison, những bệnh nhân dù đã mắc COVID-19 vẫn có khả năng sẽ tái nhiễm trong tương lai.
"Vì vậy, việc tham gia những bữa tiệc với người nhiễm COVID-19 thật vô lý và nực cười. Bạn có thể sẽ tái nhiễm. Đừng nghĩ đơn giản rằng bạn ra ngoài, nhiễm bệnh, sau đó cố gắng khỏi bệnh là xong. Đó không phải cách virus hoạt động", Thủ tướng Scott Morrison cho biết.
Lấy cảm hứng từ những bữa tiệc thuỷ đậu
Dẫu vậy, những bữa tiệc phi lý này xuất hiện ngày càng nhiều. Các thành viên tham gia cho rằng nó sẽ giúp họ tăng cường khả năng miễn dịch và nguỵ biện mình "được truyền cảm hứng từ những bữa tiệc thuỷ đậu những năm 90".
"Những người đi ngược với khoa học đã làm như vậy từ vài thế kỷ trước. Trước đây, chúng ta có các bữa tiệc sởi, thủy đậu và bây giờ là tiệc COVID", một Giáo sư về an toàn sinh học toàn cầu tại UNSW cho biết.
Theo các chuyên gia, hiện chỉ có vaccine mới có thể giúp cơ thể tăng khả năng miễn dịch. Việc cố ý lây nhiễm theo đó không hề đi theo bất kỳ phương pháp khoa học nào và rất nguy hiểm. "Hãy tiêm mũi tăng cường sớm nhất có thể và đeo khẩu trang thường xuyên", các chuyên gia khuyến cáo.
Hiện vẫn chưa có số liệu cụ thể về số người cố tình mắc COVID-19 tại Australia. Giới chức nước này vẫn đang cố gắng tìm hiểu khoảng thời gian những "Người chạy theo COVID" có thể nhiễm bệnh và dự đoán khả năng lây lan tiềm ẩn.
"Tôi hiểu động cơ của họ là gì", Giáo sư Catherine Bennett, chủ nhiệm bộ môn dịch tễ học tại Đại học Deakin cho biết.
Dẫu vậy, bà vẫn thấy lạ khi có những người cố tình để mình "được" nhiễm bệnh, trong khi Australia đang đau đầu đối phó với sự gia tăng số ca mắc mới.
Theo báo cáo cập nhật ngày 13/1 của Bộ Y tế Australia, chỉ trong 24h, nước này ghi nhận tới hơn 147.000 ca mắc mới COVID-19, trong đó riêng bang đông dân nhất là New South Wales (NSW) là 92.264 ca. Tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện và chăm sóc tích cực cũng đang ở mức cao nhất kể từ đầu đại dịch.
Theo: ABCNews