Mua bảo hiểm
Theo bà Lê Anh - một nhân viên tư vấn bảo hiểm có kinh nghiệm lâu năm - bảo hiểm nhân thọ là một công cụ tài chính bảo vệ khách hàng trước những rủi ro trong cuộc sống, không phải một hình thức đầu tư hay tiết kiệm lãi suất cao.
Chính vì vậy, trong những năm đầu tiên, phí bảo hiểm chủ yếu được trích lập vào Quỹ dự phòng rủi ro, do tỷ lệ rủi ro ở những năm đầu tiên của công ty bảo hiểm rất lớn.
“ Bạn gửi 10 triệu, 20 triệu nhưng nếu “sự kiện bảo hiểm” xảy ra, công ty bảo hiểm phải đền bù lên đến 1 tỷ, 2 tỷ đồng. Nhưng trong 2 năm đầu tiên, nếu bạn hủy hợp đồng bảo hiểm, bạn sẽ “mất trắng". Điều này được thể hiện rõ trong Luật kinh doanh bảo hiểm do Chính phủ ban hành. Từ năm thứ 3 trở đi, giá trị hoàn lại bắt đầu hình thành ”, bà Lê Anh phân tích.
Chính vì chia tiền vào quỹ rủi ro và giá trị hoàn lại nên nếu xem bảo hiểm nhân thọ là một quỹ tài chính trong dài hạn thì đó là một lựa chọn rất tốt. Nhưng nếu mục đích của bạn là đầu tư, tiết kiệm trong ngắn hạn và trung hạn (5 - 6 năm) thì tốt nhất không nên mua bảo hiểm nhân thọ.
Thực tế tỷ lệ tham gia bảo hiểm của Việt Nam chỉ 11% thấp hơn nhiều so với các nước khác. Trong khi đó, tại Philippines, khoảng 38% dân số có bảo hiểm, tỷ lệ này tại Malaysia khoảng 50%, Singapore khoảng 80%, còn Mỹ khoảng 90%.
Một trong những lý do đó là trong thời gian dài, không ít tư vấn viên đã tư vấn cho khách hàng theo kiểu mua bảo hiểm nhân thọ là kênh đầu tư tài chính có lời, chứ không tập trung vào yếu tố phòng ngừa rủi ro như bản chất của bảo hiểm này. Từ đó, mới dẫn tới thực tế lời lãi không như lời tư vấn viên, khiến người ta có cái nhìn không tích cực về bảo hiểm nhân thọ.
Chính vì vậy, để tránh trường hợp khách hàng được tư vấn mà chưa thực sự hiểu rõ hợp đồng, khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng trước khi ký và doanh nghiệp cần giám sát kỹ lưỡng hơn nữa hoạt động của các đại lý, tư vấn bảo hiểm.
Vàng không sinh lời nhiều
Theo Báo cáo của Viện nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES), đối với thị trường vàng, tỷ suất sinh lời của kênh đầu tư này trong năm 2022 chỉ ở mức trung bình, không quá hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.
Đây là kênh đầu tư phụ thuộc nhiều vào tình hình quốc tế như tình hình căng thẳng tại Ukraine, động thái của ngân hàng trung ương các nước và các biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Nếu các yếu tố trên diễn biến căng thẳng, phức tạp hơn thì sẽ tác động mạnh hơn đến thị trường tài chính. Khi đó, vàng sẽ nổi lên là kênh trú ẩn an toàn, ổn định.
Cần lưu ý, đầu tư vàng không dành cho số đông nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh giá vàng trong nước không thực sự liên thông với thị trường quốc tế, rủi ro sẽ càng lớn hơn. Bởi khi thị trường tài chính có biến động mạnh thì sẽ nhanh chóng tác động đến giá vàng. Đồng thời, việc Chính phủ, NHNN tiếp tục chính sách ổn định thị trường, kiên định mục tiêu giảm tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế sẽ giảm mức hấp dẫn của kênh đầu tư vàng.
Tại tọa đàm "Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Khi lạm phát trên thế giới chưa được kiểm soát thì sẽ đẩy giá vàng lên cao, nên đây là thị trường sẽ có sự phát triển trong năm 2023. Tuy nhiên, hiện giá vàng Việt Nam vẫn cao hơn thế giới, nên nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng khi tham gia vào thị trường này ”.
Bất động sản sắp hồi phục?
Thị trường bất động sản hiện chững lại do một số khó khăn, vướng mắc mà nổi cộm nhất là vấn đề về pháp lý và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Chính phủ, Bộ, ngành đã thực thi các giải pháp lành mạnh, minh bạch hóa thị trường, hoàn thiện môi trường pháp lý.
Để hỗ trợ và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng và yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, nhằm đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó hỗ trợ người mua nhà và các dự án bất động sản đáp ứng đầy đủ điều kiện về pháp lý, có khả năng trả nợ.
Đây là điều rất tích cực cho thị trường, bởi các doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí vốn, giá bán hấp dẫn hơn do chủ đầu tư tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý. Nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc hơn do hưởng mức lãi suất thấp hơn, chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm, giao dịch bất động sản của khách hàng, mặt khác tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường bất động sản. Do đó, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ dần phục hồi từ nửa cuối năm 2023, chậm nhất là từ quý IV/2023.
So với đầu năm, lãi suất cho vay hiện đã giảm từ 1 đến 2%, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới. Tuy vậy, tác động của việc giảm lãi suất cũng sẽ làm phân hóa giữa các chủ đầu tư, dự án khác nhau.
Theo đó, các chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm triển khai thành công nhiều dự án, có năng lực tài chính lành mạnh; các dự án có pháp lý rõ ràng, minh bạch, vị trí đẹp... sẽ có nhiều lợi thế hơn, được các ngân hàng ưu tiên giảm lãi suất và được khách hàng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn.
Trong bối cảnh hiện tại, đối với lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư có thể xem xét, nên tập trung vào nhu cầu thực như phân khúc chung cư, nhà ở riêng lẻ phục vụ nhu cầu để ở, kinh doanh, cho thuê hoặc để đầu tư dài hạn, nhất là khi giá bất động sản đã được chiết khấu khá hấp dẫn trong giai đoạn vừa qua.
Gửi tiết kiệm chiếm ưu thế
Báo cáo của VIRES chỉ ra trong những năm qua, ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả, đem lại lãi suất cao, dễ thực hiện đối với tất cả nhà đầu tư và xu hướng này đã tiếp tục đến giữa quý I/2023.
Dự báo, đây vẫn là kênh đem lại lợi nhuận tốt, an toàn và hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác trong năm 2023, trong bối cảnh những rủi ro, bất định từ môi trường vĩ mô quốc tế vẫn chưa chấm dứt.
Tuy nhiên, từ tháng 3/2023 đến nay lãi suất gửi tiết kiệm có xu hướng giảm dần do các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất huy động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, đồng thời, xu hướng của NHNN sẽ điều chỉnh giảm các mức lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, khiến lãi suất huy động dự báo có thể sẽ giảm.
Do đó, mặc dù đây là kênh đầu tư sinh lời hiệu quả, song các nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu kênh gửi tiết kiệm, với kỳ hạn linh hoạt, phù hợp, để có thể nhanh chóng chuyển đổi sang các kênh đầu tư khác với tỷ lệ sinh lời cao hơn.
Chứng khoán nhiều tiềm năng
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2023, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư nên được xem xét khi tình hình doanh nghiệp vẫn được dự báo tích cực, GDP dù tăng thấp hơn năm 2022 song vẫn ở mức khá, lạm phát được kiểm soát. Tình hình sản xuất, kinh doanh, khả năng sinh lời của doanh nghiệp cũng tương đối khả quan.
Các đợt điều chỉnh vừa qua khiến mức giá của các cổ phiếu đã về mức hấp dẫn, đặc biệt để đầu tư dài hạn. Thế nhưng, cần lưu ý tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do tác động tiêu cực từ môi trường quốc tế như: giảm đơn hàng; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và lãi suất đứng ở mức cao...sẽ tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trái phiếu chỉ phù hợp với nhà đầu tư có kiến thức
Thị trường đầu tư trái phiếu trong thời gian qua, các vụ việc trên thị trường này cho thấy rủi ro của kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là khá lớn. Chính vì vậy, Chính phủ đã có nhiều động thái siết chặt hoạt động phát hành TPDN, giúp thị trường trở nên an toàn, phát triển bền vững hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, về dài hạn, đây vẫn là kênh đầu tư đáng để cân nhắc, song kênh đầu tư này không phù hợp với phần đông các nhà đầu tư trên thị trường mà chủ yếu thích hợp với các nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm trên thị trường tài chính, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính và đa dạng hóa được danh mục đầu tư.