Trong phiên cuối tuần (22/7), chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm nhẹ 3,71 điểm, kết phiên ở mức 1.194,76 điểm; trong khi đó, chỉ số HNX-Index lại tăng 0,74 điểm, dừng chân ở mức 288,83 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng 15,51 điểm (1,32%); HNX-Index tăng 4,43 điểm (1,56%).
Dù HNX ghi nhận mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 22/7 vừa qua nhưng mã cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone do đại gia 58 tuổi người Nam Định, Hồ Xuân Năng làm Chủ tịch ghi nhận mức tăng mạnh 2.400 đồng/cổ phiếu tương đương mức tăng 3,28%.
Mức tăng hơn 3% của VCS không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông trong phiên giao dịch cuối tuần, mức tăng này còn giúp khối tài sản của Chủ tịch Hồ Xuân Năng có thêm hàng trăm tỷ đồng.
Theo đó, với việc đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 127 triệu cổ phiếu VCS, khối tài sản của đại gia 58 tuổi người Nam Định ghi nhận mức tăng thêm hơn 305 tỷ đồng chỉ trong phiên giao dịch ngày 22/7 vừa qua. Với mức tăng này, ông Hồ Xuân Năng một lần nữa đã vượt qua bà Vũ Thị Hiền – vợ của tỷ phú Trần Đình Long để vươn lên đứng vị trí thứ 10 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Ông Hồ Xuân Năng một lần nữa trở lại Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam
Cụ thể, tính theo giá thị trường, khối tài sản ông Hồ Xuân Năng đang nắm giữ có giá trị hơn 9.600 tỷ đồng. Trong khi đó, với việc HPG ghi nhận mức giảm 500 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 22/7, khối tài sản của bà Vũ Thị Hiền đang trực tiếp nắm giữ có giá trị 9.470 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, mới đây, VCS của Chủ tịch Hồ Xuân Năng đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu thuần đạt 1.725 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 439,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,8% và 16,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, VCS ghi nhận doanh thu đạt 3.337 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ, lãi trước thuế đạt 881,2 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, sau 6 tháng, Vicostone mới thực hiện được 37% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.
Trong khi đó, nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 25/7, chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá nhịp cầu đưa thị trường tăng điểm có dấu hiệu đuối sức khi chưa thể giúp VN-Index vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm và có diễn biến lùi bước trong phiên giao dịch cuối tuần.
Thanh khoản giảm dần kể cả khi VN-Index hình thành khoảng trống tăng giá (gap-up), tiếp tục cho thấy sự thận trọng của dòng tiền.
Với tín hiệu đuối sức trong ba phiên vừa qua, VN-Index có khả năng sẽ kiểm tra lại tín hiệu vượt cản 1.180-1.190 điểm, đồng thời, cũng là vùng khoảng trống tăng giá, trước khi quay trở lại xu hướng hồi phục.
Do đó, nhà đầu tư tạm thời nên chậm lại, tránh rơi vào trạng thái quá mua và vẫn có thể tận dụng nhịp giảm để tiếp tục mua tích lũy các cổ phiếu mạnh lùi về vùng hỗ trợ cứng.
Chuyên gia của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đánh giá chỉ số kết thúc tuần giao dịch tăng 1,32% lên mức 1.194,76 điểm. Khối lượng giao dịch cải thiện trong hai tuần qua nhưng vẫn thấp hơn trung bình. Nhiều mã, nhóm ngành tiếp tục luân phiên hồi phục.
SHS cho rằng, chỉ số VN-Index hiện tại khá tương tự với bối cảnh của chỉ số này 4 năm trước, thời điểm giữa tháng 7 năm 2018 khi VN-Index tạo đáy quanh ngưỡng 880 điểm.
Diễn biến sau đó của thị trường là hồi phục, cũng như giằng co và đi ngang kéo dài cho đến hết năm 2018 và cả năm 2019. Theo đó, VN-Index tiếp tục xu hướng hồi phục hiện tại để hướng dần đến mục tiêu tiếp theo của chỉ số này là ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong thời gian tới.
Trường hợp tiêu cực, nếu áp lực bán lại tăng cao và không giữ được vùng hỗ trợ 1.185 điểm +/- (MA20 đồ thị kỹ thuật ngày), thì có khả năng sẽ cần kiểm tra lại lực cầu quanh ngưỡng hỗ trợ 1.140 điểm thêm lần nữa.
Chuyên gia của CTCK MB (MBS) cũng nhận định thị trường đã không thể chốt tuần ở trên ngưỡng 1.200 điểm không phải do yếu tố kỹ thuật của ngưỡng này. Dòng tiền trở nên thận trọng là nguyên nhân chính khiến thị trường chỉ có diễn biến giằng co quanh ngưỡng 1.200 điểm.
Dù để mất điểm ở phiên cuối tuần nhưng chỉ số VN-Index vẫn có một tuần tăng điểm và đây cũng là tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Chứng khoán thế giới tuần qua cũng hồi phục trên diện rộng trước phiên họp chính sách tiền tệ của Fed vào thứ Ba và thứ Tư tuần sau.
Thị trường đang trong giai đoạn đầu của mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên, nên nhìn chung sẽ có sự phân hóa, dòng tiền theo đó sẽ luân chuyển và cơ hội ở các cổ phiếu riêng lẻ.