Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10/2022. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm 45,47 điểm (-4,03%) về mức 1.086,44 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ phiên lao dốc 57 điểm hôm 13/6 và tiếp tục đưa thị trường về vùng đáy hồi tháng 2/2021.
Chỉ số HN-Index cũng rơi hơn 12 điểm (-4,83%) về vùng 238,17 điểm. Trong khi đó, chỉ số UPCoM-Index ghi nhận mức giảm 2,59% xuống 82,76 điểm.
Đà lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch ngày 3/10 khiến khối tài sản của hàng loạt tỷ phú Việt Nam ghi nhận mức giảm từ vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng.
Trong đó, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Trần Đình Long ghi nhận mức giảm hơn 2.198 tỷ đồng bởi đà giảm sàn của cổ phiếu HPG; đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cũng ghi nhận mức giảm hơn 825 tỷ đồng khi MWG kết thúc phiên giao dịch với giá giảm kịch sàn...
Trái ngược với đà giảm mạnh của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch ngày 3/10, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup lại ghi nhận mức tăng nhẹ 500 đồng/cổ phiếu để đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 ở mức giá 55.500 đồng/cổ phiếu. VIC cũng là mã cổ phiếu duy nhất trong rổ chỉ số VN30 ghi nhận mức tăng trong phiên giao dịch 3/10.
Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận tăng thêm hơn 1.077 tỷ đồng trong phiên VN-Index giảm 45,47 điểm
Đà tăng về cuối phiên của VIC không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông, mức tăng nhẹ này cũng giúp khối tài sản của người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng.
Theo đó, với việc đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 2,155 tỷ cổ phiếu VIC giúp khối tài sản của tỷ phú 54 tuổi người Hà Tĩnh tăng thêm hơn 1.077 tỷ đồng trong phiên chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm hơn 45 điểm.
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 3/10, khối tài sản người giàu nhất Việt Nam đang nắm giữ có giá trị hơn 119.653 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo thống kê của Forbes, trong phiên giao dịch ngày 3/10, khối tài sản của người giàu nhất Việt Nam ghi nhận mức tăng thêm 37 triệu USD, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tài sản trị giá 4,2 tỷ USD và đứng thứ 631 trên bảng xếp hạng tỷ phú USD trên thế giới.
Sau phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 3/10, nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch tiếp theo, chuyên gia các công ty chứng khoán tỏ ra rất thận trọng.
Chuyên gia của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của các chỉ số vẫn duy trì ở mức tiêu cực. Trạng thái bán quá mức của thị trường đã mạnh đến mức bắt đầu hình thành dấu hiệu phân kỳ dương giữa chỉ số và đường RSI, báo hiệu khả năng hồi phục kỹ thuật có thể sớm xuất hiện.
VCSC dự báo trong phiên ngày 4/10, chỉ số VN30 có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục từ hỗ trợ tại 1.100 điểm và sắc xanh có thể sẽ lan tỏa từ nhóm vốn hóa lớn sang phần còn lại. Theo đó, chỉ số VN-Index cũng có thể sẽ tăng từ hỗ trợ yếu tại vùng 1.080-1.085 điểm với kháng cự gần nhất là đường MA5 quanh khu vực 1.120-1.125 điểm. Tuy vậy, vẫn còn sớm để có thể kết luận được là thị trường sẽ hình thành được điểm cân bằng ngắn hạn. Ngược lại, ở kịch bản tiêu cực hơn nếu VN-Index tiếp tục giảm qua 1.080 điểm, chỉ số có thể sẽ thoái lui sâu hơn về vùng hỗ trợ tiếp theo quanh mốc 1.000 điểm.
Chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định hiện tại tâm lý ngắn hạn của thị trường vẫn ở trạng thái bi quan mạnh, áp lực cắt lỗ ngắn hạn cao. Có rủi ro dẫn đến áp lực bán giải chấp của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Xu hướng ngắn hạn của VN-Index suy giảm, chịu áp lực điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo 1.010-1.030 điểm. Tương ứng vùng giá cao nhất năm 2019 là tháng 11/2029, trước thời điểm giảm mạnh do đại dịch Covid-19. SHS cho rằng xu hướng ngắn hạn và trung hạn vẫn suy giảm.
Trong khi đó, chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) dự báo trong phiên giao dịch 4/10, VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.060-1.080 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.020-1.040 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.