Trước tiên cần phân tích điều kiện thời tiết có thể xuất hiện mưa đá. Bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết mưa đá xuất hiện do đối lưu không khí mạnh.
Thời điểm trước mưa đá thường là nhiều ngày không mưa, dù đang trong mùa mưa. Những ngày này nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời và độ ẩm tăng cao. Cùng với đó mây dông hình thành và bị đẩy lên tầng cao, nhiệt độ thấp khiến hạt nước kết tinh thành đá rơi xuống.
Với thời tiết Nam Bộ, TP.HCM những ngày trước thì mưa đá xuất hiện không có gì quá bất thường. Bà Lan cũng cho biết mưa đá thường xuất hiện tại Bắc Bộ nhiều hơn. Còn Nam Bộ thi thoảng có, những năm gần đây tần suất xuất hiện nhiều hơn.
Mưa đá là thời tiết cực đoan có thể gây hư hại rau màu, cây trái và bị thương cho người dân. Vậy liệu cơ quan khí tượng có thể dự báo được không?
Bà Lan cho biết ở Việt Nam chỉ dừng ở mức cảnh báo xa. Các bản tin dự báo thường có cảnh báo "Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh", chứ chưa cụ thể được thời điểm, địa điểm nào có thể xuất hiện.
Mặt khác, những cơn mây dông có thể gây mưa đá hình thành và xuất hiện rất nhanh. Dù cơ quan khí tượng có dự báo được, cũng chưa có cách giúp người dân tiếp cận ngay được bởi các yếu tố liên quan tới truyền, phát.
"Ở Mỹ họ có những xe gắn ra đa để đi theo và phát hiện các ổ mây dông. Họ phân tích và dự báo được có mưa đá hay các hình thái thời tiết cực đoan hay không, sau đó bản tin sẽ được truyền tới điện thoại người dân. Còn ở Việt Nam chưa có. Nhật Bản cách đây vài năm cũng chưa có, hiện tại thì không rõ họ đã triển khai chưa", bà Lan cung cấp thêm.
Mưa đá nhiều nơi ở Nam Bộ
Chiều 14-6, tại nhiều quận huyện ở TP.HCM đã xuất hiện mưa đá trong khoảng 5 phút. Sau đó là mưa dông dữ dội khiến đường phố bị ngập, cây xanh tét nhánh.
Tại Bình Dương mưa đá cũng xuất hiện ở khu vực giáp ranh TP.HCM. Mưa to còn khiến cây xanh đè đường dây điện và cuốn trôi người đi đường.
Tại Tiền Giang, dông lốc, mưa đá cũng gây thiệt hại cho dân hơn 1 tỉ đồng.