Phía trên có thể là những nghi ngờ của bạn khi đọc tiêu đề của bài viết này. Trên thực tế có không ít người cũng đã đặt ra những nghi vấn như bạn, kể cả chuyên gia cũng đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về vấn đề này, kết quả cho thấy những người có ngoại hình ưa nhìn kiếm được nhiều tiền và thăng tiến nhanh hơn những người có ngoại hình trung bình và kém. Những nhân viên có ngoại hình ưu nhìn kiếm được nhiều tiền hơn những nhân viên có ngoại hình trung bình 5%, còn những người không có bề ngoài hấp dẫn thì kiếm được ít hơn 9%.
Ai ai cũng đều biết một đạo lý rằng chúng ta không nên đánh giá con người qua vẻ bề ngoài, nhưng sự phán xét và định kiến đối với diện mạo của một người vẫn luôn âm thầm tồn tại bên trong mỗi chúng ta. Khi đi trên đường, bắt gặp một cô gái có gò má hơi cao thì bạn sẽ nhận định cô ấy rất hung dữ, một người ăn xin bẩn thỉu thấy bạn xách nhiều đồ không xuể bèn đến ngỏ ý muốn giúp đỡ, thì điều đầu tiên bạn nghĩ đến là gì? Có phải là lo sợ người đó muốn cướp đồ của mình hay không?
1. Hình ảnh là ấn tượng đầu tiên của sự giao tiếp giữa các cá nhân
Trước đây có một câu nói đùa phổ biến trên mạng rằng: "Vẻ ngoài của bạn là thứ quyết định người khác có chọn khám phá nội tâm của bạn hay không, và nội tâm của bạn cũng là thứ quyết định liệu họ có thấy bề ngoài của bạn còn đẹp nữa hay không!"
Diện mạo bên ngoài của một người rất quan trọng, bề ngoài ở đây không chỉ là nói đến ngoại hình mà còn đề cập đến quần áo, cách cư xử, khí chất, v.v.
Ví dụ, hai cô gái cùng lúc nộp đơn vào một công ty, cô thứ nhất có khuôn mặt khả ái nhưng quần áo lại xộc xệch, đi dép lê, mặc quần đùi đến phỏng vấn; cô gái thứ hai có ngoại hình trung bình, nhưng ăn mặc rất gọn gàng, trang điểm vừa phải, cách cư xử duyên dáng. Sau khi đọc sơ yếu lý lịch của hai người, người phỏng vấn thấy cô gái thứ nhất tốt nghiệp đại học loại rất giỏi, còn cô gái thứ hai thì trình độ tầm thường, nhưng cuối cùng người phỏng vấn vẫn chọn cô thứ hai.
Một trong những lý do quan trọng dẫn đến kết quả này là vì người phỏng vấn cho rằng một người có ý thức chăm chút cho bề ngoài phải là một người có mục tiêu và ý nghĩa rõ ràng cho cuộc sống và công việc của họ.
Con người là động vật có thị giác, và ấn tượng đầu tiên thường ảnh hưởng đến đánh giá của một người về người khác rất sâu sắc, có thể "cái gai" đó sẽ theo họ từ lần đầu gặp mặt cho đến mãi về sau. Vì vậy, dù trong giao tiếp kết bạn thông thường hay trong công việc, thì bề ngoài của bạn luôn là cơ sở quan trọng để người khác đánh giá đẳng cấp của bạn, khẳng định bạn là ai.
2. Bản chất của con người là thích cái đẹp
Em họ tôi vừa mới tốt nghiệp và trở thành giáo viên tiểu học, trong một lần trò chuyện với em ấy, em ấy có nói: "Mặc dù em luôn tự nhủ rằng mình không nên quá ưu ái một học sinh nào đó, nhưng em vẫn không thể ngăn mình yêu thích những đứa trẻ xinh đẹp."
Chúng ta, ai cũng có thể vô thức tin tưởng và yêu thích những người đẹp trai, đẹp gái, hoặc đại loại là có bề ngoài chỉn chu. Thực ra, bản chất con người là như vậy. Chúng ta bẩm sinh, ai cũng sẽ yêu thích các phong cảnh đẹp, không thích nơi xấu xí dơ bẩn, thì đối với bề ngoài của con người cũng vậy, đó chính là bản chất của con người.
Cho nên, nếu bạn muốn thành công trong cuộc sống, ngoài việc bồi dưỡng cho mình các kiến thức cần thiết thì việc chăm chút cho bề ngoài cũng là một điều không thể thiếu, và điều đó cũng giống như kiến thức vậy, đều rất cần thiết cho cuộc sống của mỗi con người mà không hề tiêu cực chút nào.
Khi bạn chăm sóc cho chính mình xinh đẹp chỉn chu hơn, đó không chỉ là một hành động làm mình bừng sáng hơn trong mắt người khác, mà nó còn là một hành động thể hiện sự yêu thương của chính bạn đối với bản thân mình. Khi bạn thấy bản thân tươi tắn hơn thì tâm trạng và sự tự tin, tinh thần tích cực cũng sẽ được tăng lên rất nhiều, công việc và sự nghiệp, mọi mặt trong cuộc sống cũng sẽ theo đó mà tốt lên một cách thần kỳ.