Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, OCB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 7.110 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước. Nếu thành công, đây sẽ là mức lãi kỷ lục mà ngân hàng đạt được kể từ khi thành lập.
Ban lãnh đạo OCB cho biết, con số lợi nhuận trên được đưa ra dựa trên dự báo tăng trưởng dư nợ thị trường 1 ở mức 25% đạt 129.493 tỷ đồng. Cùng với đó, huy động vốn thị trường 1 dự kiến vượt 155.000 tỷ đồng, tăng 23%.
Theo Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, bắt đầu năm 2022 có nhiều triển vọng lạc quan vào tình hình kinh tế, tuy nhiên gần đây có nhiều bất thường như lạm phát tăng nhanh ở phương tây và các nước phát triển, căng thẳng Ukraine-Nga ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong nước thì bất động sản tăng trưởng nóng. Song, với sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, tình hình ngành ngân hàng sẽ đi đúng định hướng, kế hoạch.
CEO OCB nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu lợi nhuận năm nay, ngân hàng phải giảm chi phí vốn, tăng tỷ lệ CASA, tăng giao dịch thanh toán, đa dạng nguồn vốn thông qua các công cụ khác nhau để giảm áp lực về NIM. Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát nợ xấu dưới 1% là khả thi; việc giải quyết các khoản nợ xấu sẽ mang lại kết quả kinh doanh khả quan trong năm nay.
Theo kế hoạch của OCB, 2022 là năm thứ hai của giai đoạn phát triển 5 năm 2021-2025 với định hướng trở thành ngân hàng trong Top NHTM cổ phần tư nhân tốt nhất Việt Nam. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục tăng trưởng quy mô khách hàng, tập trung vào hoạt động bán lẻ và phân khúc ưu tiên của OCB, tiếp tục lộ trình chuyển đổi số toàn diện OCB, nâng cấp ứng dụng OCB OMNI, số hóa hành trình khách hàng, kết nối hệ sinh thái và số hóa quy trình nội bộ,… Đồng thời, OCB sẽ triển khai nâng cao hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực nâng cao của Basel II và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 9.
Nhằm huy động nguồn lực thực hiện các kế hoạch trên, OCB đã trình và được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.186 tỷ lên 17.885 tỷ đồng.
Cụ thể, OCB sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỷ đồng thông qua việc phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30%. Ngoài ra, ngân hàng phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ thêm hơn 58,8 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo OCB cho biết, với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng.
Trong đó, ngân hàng muốn mở rộng mạng lưới giao dịch của OCB, tiếp tục đầu tư cho các hệ thống công nghệ phục vụ cho việc hiện đại hóa ngân hàng, hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, tăng trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng. OCB cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn hiệu quả hơn nữa,…
Đánh giá về tình hình kinh doanh, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, OCB là ngân hàng duy trì được tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần và chất lượng nhờ nền tảng vốn mạnh và thanh khoản cao.
Theo đó, bộ đệm vốn và thanh khoản dồi dào kết hợp với chính sách tín dụng thận trọng sẽ đảm bảo cho OCB tăng trưởng cho vay cao trên 20%/năm trong chu kỳ mở rộng tín dụng sắp tới. Việc tối ưu hóa cơ cấu huy động thông qua thu hút vốn trung và dài hạn từ các nguồn vốn nước ngoài và các giấy tờ có giá với chi phí bằng một nửa tiền gửi có cùng kỳ hạn giúp cải thiện NIM trong trung hạn.
Khẩu vị rủi ro thấp và chất lượng tín dụng của OCB cũng được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo thấp 43-46% và 95-96% các khoản cho vay có TSĐB. Mô hình tài trợ chuỗi cung ứng kết hợp với nền tảng kỹ thuật số cung cấp một công cụ giám sát chặt chẽ và toàn diện, mang lại chất lượng tài sản tương đối tốt so với các ngân hàng có cùng quy mô.
Ngoài ra, việc liên tục tăng cường số hóa và công nghệ từ năm 2018 giúp OCB giảm mạnh hệ số CIR, nằm trong số các ngân hàng niêm yết hoạt động hiệu quả nhất.
Nhận định về triển vọng kinh doanh năm 2022, VDSC cho rằng lợi nhuận OCB sẽ đến từ sự tăng trưởng thu nhập của tất cả hoạt động kinh doanh trong khi áp lực chi phí tín dụng giảm từ mức vừa phải.
Cụ thể, trong kịch bản cơ sở khi COVID-19 diễn biến bớt phức tạp từ giữa năm 2022, áp lực hỗ trợ khách hàng sẽ giảm bớt, hỗ trợ NIM cải thiện. Thu nhập lãi thuần và thu nhập dịch vụ thuần năm 2022 sẽ tăng trưởng ở mức hai con số với cơ cấu đa dạng hơn do thu nhập từ dịch vụ ngân hàng đầu tư và thanh toán tăng bên cạnh mảng bancassurance vẫn giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Danh mục quản lý tín dụng chặt chẽ và khả năng phục hồi khách hàng tốt hơn cũng sẽ giải tỏa áp lực lên chi phí tín dụng.
Trên cơ sở dự báo trên, VDSC ước tính, lợi nhuận sau thuế của OCB trong năm 2022 sẽ đạt 5.775 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với mức thực hiện năm 2021.