
Theo thông tin từ các diễn đàn bảo mật quốc tế, Tập đoàn CMC đã bị tấn công mã độc tống tiền. Nhóm tin tặc Crypto24 được cho là đứng sau vụ tấn công, với khoảng 2TB dữ liệu bị khống chế. Ransomware là một loại phần mềm độc hại được sử dụng để mã hóa dữ liệu của nạn nhân nhằm đòi tiền chuộc.
Trả lời VietNamNet về vụ tấn công, đại diện truyền thông của CMC xác nhận Tập đoàn CMC đã bị tấn công mã độc tống tiền. Tuy nhiên, dịch vụ đã được khôi phục và hoạt động ổn định. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra về vụ tấn công này.
Theo thống kê của Bkav, trong năm 2024, có 155.640 máy tính tại Việt Nam bị tấn công bởi mã độc ransomware. Thiệt hại của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam do những phá hoại của virus lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, bao gồm: tiền trả cho hacker để chuộc dữ liệu, doanh thu sụt giảm trực tiếp vì hệ thống ngưng trệ, thiệt hại do mất khách hàng, thương hiệu bị ảnh hưởng…
Đơn cử, chỉ trong ngày đầu tiên bị tấn công mã hóa dữ liệu, có doanh nghiệp đã mất hơn 100 tỷ đồng. Một doanh nghiệp khác, thiệt hại tính toán sau khi bị ransomware tấn công cũng lên đến 800 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, những gì nhìn thấy hay tính toán được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong một vài năm gần đây, các yêu cầu trợ giúp do bị ransomware tấn công được gửi tới các cơ quan chức năng, doanh nghiệp với mật độ cao.
Cũng theo các chuyên gia Bkav, virus gián điệp APT và virus mã hóa tống tiền đang ẩn mình trong rất nhiều hệ thống ở Việt Nam. Chúng âm thầm lây lan và sẽ gây hại, tấn công vào thời điểm thích hợp trong thời gian tới. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về an ninh mạng và áp dụng lập tức các biện pháp phòng ngừa virus máy tính theo cách chuyên nghiệp.
Các chuyên gia an toàn thông tin đều có chung nhận định rằng tấn công có chủ đích APT, tấn công bằng mã độc ransomware và mã độc gián điệp spyware vẫn là những hình thức tấn công chính mà các doanh nghiệp, tổ chức trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm phòng ngừa.
Chia sẻ về vấn đề an ninh mạng hồi cuối năm 2024, Giám đốc Viettel Cyber Security Nguyễn Sơn Hải cho hay: Tại Việt Nam, các mối nguy cơ, rủi ro an toàn thông tin mạng không ngừng gia tăng.
Cụ thể, qua ghi nhận từ hệ thống Viettel Threat Intelligence, trong 1 năm, số vụ lừa đảo giả mạo thương hiệu tăng 15%; tài khoản bị đánh cắp tăng 21%; lỗ hổng bảo mật mới tăng 10%, số nạn nhân bước đầu bị tấn công ransomware gấp hơn 10 lần so với các sự cố được công khai; số bản ghi dữ liệu của cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam bị rao bán cũng tăng 2,5 lần so với năm trước.
Chia sẻ tại sự kiện Gặp mặt hội viên Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - NCA 2025, diễn ra ngày 11/4, thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – A05 (Bộ Công an) cho hay, bên cạnh những mặt tích cực, không gian mạng còn đặt ra những nguy cơ, thách thức với công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Cùng với đó, hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng của các nhóm tin tặc, lộ mất thông tin, dữ liệu cá nhân diễn ra ngày càng nguy hiểm. Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra ngày càng phức tạp, với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Trước tình hình tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền, tăng mạnh, tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ cấp thiết trước tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền (ransomware) tăng mạnh và có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.