Một công ty do gia đình đại gia Lê Thanh Thản - ông chủ chuỗi Khách sạn Mường Thanh nắm giữ phần lớn cổ phần là CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông với mã chứng khoán PDC vừa có biến động ấn tượng khi tăng trần 9 phiên liên tiếp.
Đóng cửa ngày 1/3, trong khi thị trường chung phân hoá mạnh mẽ giữa các nhóm ngành, thị giá PDC lại tiếp tục đi lên với mức tăng 9,42% đạt 15.100 đồng/cổ phiếu - mức tăng gấp đôi kể từ khi bắt đầu tăng và cũng là mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. Đây cũng là phiên tăng kịch trần lần thứ 9 liên tiếp.
Đi kèm với đà tăng mạnh của giá, thanh khoản cũng cải thiện đáng kể với hàng chục nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên, trong khi giai đoạn trước đó, mã này chỉ giao dịch với thanh khoản vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu. Mã chứng khoán này bắt đầu vào giai đoạn bứt phá khi tăng trần từ phiên 17/2 đến nay. Chỉ tính riêng phiên ngày đầu tháng 3, đã có hơn 52.000 cổ phiếu PDC được sang tay.
Cổ phiếu liên quan ông Lê Thanh Thản đã tăng trần 9 phiên liên tiếp. (Ảnh: FireAnt)
Nhiều lần đổi chủ
CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, có tên là Khách sạn Phượng Hoàng, thành lập năm 1994. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là kinh danh dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng cũng như cho thuê mặt bằng trong các trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, PDC còn tham gia sản xuất và kinh doanh phân bón, khoai mì và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Đến năm 2008, Công chính thức chuyển sang loại hình Công ty Cổ phần và đổi tên thành CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông. Năm 2009, cổ phiếu PDC chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Thời điểm mới lên sàn, doanh nghiệp này có 4 cổ đông lớn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là cổ đông lớn nhất nắm giữ đến 60,4% vốn; tiếp theo là Sabeco với 9,8% cổ phần, CTCP Đầu tư và Tư vấn Tài chính Dầu khí với 6,06% và Chứng khoán Dầu khí 5,16%.
Tuy nhiên, ngay sau khi lên sàn, PDC gánh ngay khoản lỗ lên tới 60 tỷ đồng trong năm 2009. Chỉ vài tháng sau đó, PVN chuyển nhượng hơn 60% cổ phần của PDC cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - PTSC (PVS). Đến tháng 8/2011, PTSC lại chuyển nhượng số cổ phiếu trên cho Ocean Hospitality và Ocean Bank.
Giai đoạn sau đó, PDC được đổi chủ sang nhóm Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group). Năm 2015, Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (Mã: OCH) bán ra lượng lớn cổ phần và công ty đổi chủ mới là gia đình ông Lê Thanh Thản - doanh nhân sinh năm 1950, còn được biết đến với cái tên "đại gia điếu cày". Ông Thản nổi tiếng với việc sở hữu chuỗi khách sạn Mường Thanh với khoảng 60 khách sạn phủ nhiều tỉnh thành tại Việt Nam và Lào.
Hiện cổ đông lớn nắm giữ đến 90,7% vốn điều lệ công ty. Theo đó, với số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 15 triệu cổ phiếu thì lượng cổ phiếu ngoài thị trường chỉ đạt gần 1,4 triệu đơn vị. Trong đó riêng Chủ tịch HĐQT Lê Thanh Thản có 3 triệu cổ phiếu, tương ứng 20% vốn điều lệ.
Bà Lê Thị Hoàng Yến (con gái ông Thản và hiện là CEO của Tập đoàn Mường Thanh) nắm giữ 9,37% và ông Đỗ Trung Kiên (chồng bà Yến) có 19% vốn. Ông Lê Kim Giang (người nhà của ông Lê Thanh Thản) sở hữu tỉ lệ cao nhất với 21,46%. Ngoài ra công ty còn có 2 cổ đông lớn khác là thành viên HĐQT Phạm Thị Thu Thủy sở hữu 11,06% và Sabeco vẫn nắm giữ 9,8% vốn.
Kinh doanh kém sáng
Theo các báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh của công ty này lại khá ảm đạm dù đã cải thiện đáng kể từ khi về tay gia đình ông Lê Thanh Thản.
Cụ thểm năm 2016, PDC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 5 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lợi nhuận chỉ gần 700 triệu đồng năm 2015. Tình hình kinh doanh tiếp tục tích cực đến năm 2017, khi công ty đạt tới 94,5 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế đạt 6,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2018 do doanh thu thuần giảm hơn 36% xuống còn 60 tỷ đồng, trong khi các chi phí vận hành vẫn ở mức cao, lợi nhuận sau thuế của PDC đã lao dốc mạnh xuống còn vỏn vẹn hơn 110 triệu đồng. Theo ban lãnh đạo PDC, doanh thu khách sạn giảm mạnh do bước vào giai đoạn cải tạo, sữa chữa khiến lượng khách giảm đáng kể.
Chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Du lịch Dầu khí Phương Đông ghi nhận làm ăn thua lỗ. Cụ thể, công ty này báo lỗ 8,6 tỷ đồng và 11,4 tỷ đồng năm 2020 và năm 2021.
Chỉ tính riêng quý IV/2021, công ty ghi nhận doanh thu giảm 10 tỷ xuống còn 6 tỷ đồng. Doanh thu giảm trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp 3 lần khiến doanh nghiệp ghi nhận lỗ 2,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2021, quy mô tài sản đạt hơn 282 tỷ đồng giảm hơn 14 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền mặt giảm từ 5,5 tỷ đồng xuống còn gần 2 tỷ đồng.
Công ty cũng đang phát sinh công nợ phải thu và phải trả với Khách sạn Mường Thanh Cửa Đông - Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên số tiền hàng trăm tỷ đồng. Đây là số tiền liên quan đến việc hợp tác thực hiện dự án Khu phức hợp Chung cư - Khách sạn Cửa Đông.
Đáng chú ý, cổ phiếu PDC đang trong diện tiếp tục bị cảnh báo từ tháng 6/2017 do vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên. Nếu tình hình này không được cải thiện, công ty sẽ đối mặt án hủy niêm yết cổ phiếu.