Chứng khoán

Cổ phiếu tâm điểm 29/9: FPT, VTP, PVT

FPT - Stochastic đang vào vùng quá bán 

CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco)

Phân tích:

Cổ phiếu FPT hiện tại đang giao dịch sát biên dưới dải Bollinger Bands. Mặc dù giá cổ phiếu xuống dưới đường MA200 tuy nhiên thanh khoản phiên nay tương đối thấp cho thấy lực bán không quá lớn. Diễn biến giá của cổ phiếu trong quá khứ cho thấy giá cổ phiếu có thể bật tăng trở lại sau khi xuống dưới ngưỡng MA200 với thanh khoản thấp.

Cùng với đó các chỉ báo động lượng như RSI, Stochastic đang vào vùng quá bán vì vậy nhà đầu tư có thể lấy vị thế tại vùng giá 77.000 - 80.000 đồng/cp và tăng tỷ trọng khi kiểm định thành công ngưỡng MA200, hướng tới vùng giá mục tiêu 95.000 đồng/cp. Cắt lỗ khi giá xuống dưới 70.000 đồng/cp.

 Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu FPT. (Nguồn: Agriseco).

VTP - Kỳ vọng khôi phục lợi biên lợi nhuận chuyển phát về mức 10% 

CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Phân tích:

Theo báo cáo cập nhật của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), VTP có thể khôi phục dần biên lợi nhuận gộp về mức trên 10% trong 2-3 năm tới nhờ quản lý hiệu quả, tối ưu hóa chi phí. Công ty đang tiến hành mở mới và tiến hành số hóa các bưu cục truyền thống, tự động hóa quy trình nhằm cắt giảm chi phí lao động.

Trong khi sản lượng vẫn ghi nhận tăng trưởng, 6 tháng đầu năm nay Viettel Post đã cắt giảm 535 nhân viên.

VTP có kế hoạch đầu tư 8 đến 10 trung tâm phân loại công nghệ cao trong năm 2022 để tối ưu thời gian thực hiện và nâng cao chất lượng dịch vụ cụ thể. Tháng 7 vừa qua, VTP đưa vào sử dụng 3 nền tảng công nghệ mới nâng cao năng suất dây chuyền, đưa thêm 1 trung tâm chia chọn hàng tại Đài Tư, Long Biên với công nghệ hiện đại nhất Việt Nam.

Biên lợi nhuận nửa cuối năm của VTP cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện khi giá xăng dầu (chiếm 30% chi phí của VTP) có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cùng với đó, giá cước cũng cải thiện nhờ giảm áp lực cạnh tranh với các công ty chuyển phát khác, khi mà cuộc điều tra của nhà nước về cạnh tranh giá không lành mạnh đối với các công ty chuyển phát đang diễn ra do VTP hiếm khi tham gia vào các hoạt động khuyến mãi chạy giá dịch vụ. 

PVT - Chiến lược đầu tư tăng quy mô và trẻ hóa đội tàu 

CTCP Chứng khoán MB (MBS)

Phân tích:

Theo báo cáo của Chứng khoán MB (MBS), PVT đang có chiến lược đầu tư tăng quy mô và trẻ hóa đội tàu với kế hoạch đầu tư thêm 14 tàu tải trọng 300 - 400 nghìn DWT với giá trị đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm, công ty đã đầu tư thêm 3 tàu mới với tải trọng gần 55.000 DWT. Theo kế hoạch, Tổng công ty sẽ thực hiện đầu tư khoảng 14 tàu các loại giai đoạn 2021 - 2025, nhắm tới các tàu vận tải dầu thô lớn cỡ VLCC, Aframax, tàu khí hóa lỏng VLGC và các tàu sản phẩm cỡ trung 15.000 - 20.000 DWT.

Giá cước vận tải dầu khí phục hồi từ đầu năm 2022 và tăng mạnh từ đầu quý III. Giá cước tăng nhờ quy mô vận tải dầu khí (tấn-kilomet) tăng lên (+5%) khi nhu cầu dầu tăng (+2,5%) và các tuyến vận tải phải đi vòng xa hơn do các lệnh trừng phạt cấm nhập dầu Nga từ châu Âu và Bắc Mỹ.  

Theo dự thảo Quy hoạch điện 8, nhu cầu sử dụng LNG khoảng 2,8 triệu tấn/năm 2025 và tăng lên 12 triệu tấn/năm vào 2030. Đây là thị trường vận tải mới đầy tiềm năng đối với công ty trong chiến lược phát triển dài hạn.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm