VPB - Chi phí dự phòng tăng tạo gánh nặng cho tăng trưởng lợi nhuận
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Phân tích:
Theo báo cáo của Chứng khoán Bản Việt, chi phí dự phòng tăng mạnh trong quý II/2022 và tạo gánh nặng cho tăng trưởng lợi nhuận theo quý. Chi phí dự phòng hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 là 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước do chi phí dự phòng tại ngân hàng mẹ tăng 49% và chi phí dự phòng tại FEC giảm 1%.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất trong quý II/2022 tăng 178 điểm cơ bản do tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ tăng 72 điểm cơ bản và tỷ lệ nợ xấu tại FEC tăng 6 điểm %. Do tỷ lệ xử lý nợ của FEC trong 6 tháng đầu năm 2022 là 9,4% so với 5,6% trong quý I/2022, nhóm phân tích cho rằng FEC đã tăng tỷ lệ xử lý nợ bằng dự phòng để kiểm soát tỷ lệ nợ xấu.
Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý nợ của FEC trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn thấp hơn 17,9% trong 6 tháng đầu năm 2021. Nhìn chung, chi phí dự phòng hợp nhất đã hoàn thành 42% dự báo cả năm do VCSC giả định tỷ lệ xử lý nợ hợp nhất năm 2022 là 3,84% so với tỷ lệ xử lý nợ hợp nhất là 3,48% trong 6 tháng đầu năm 2022 sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 3,9% trong năm 2022.
PHR - Tích cực
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Kháng cự ngắn hạn: 111,46
- Hỗ trợ ngắn hạn: 98,31
- Xu hướng ngắn hạn: Tăng
- Kháng cự trung hạn: 130,44
- Hỗ trợ trung hạn: 91,5
- Xu hướng trung hạn: Giảm
Phân tích:
Stock Rating của PHR ở mức 81 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này là tích cực. Đồ thị giá của PHR đóng cửa phiên 28/7 tăng 3,4% với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức trung bình 20 phiên.
Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy xu hướng ngắn hạn sẽ rõ ràng hơn. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của PHR cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại.
TLG - Hướng về vùng đỉnh dài hạn
CTCP Chứng khoán FPT (FTS)
Phân tích:
- Kênh xu hướng tăng tiếp tục chi phối biến động phục hồi kéo dài trên đồ thị tuần của TLG. Chỉ báo MFI để ngỏ chu kỳ biến động tăng thứ 04.
- Trên đồ thị EOD, TLG ghi nhận mẫu hình tiếp diễn có dạng “lá cờ”. Nhịp hiệu chỉnh của mẫu hình giúp đường giá thu hẹp biên độ với đường EMA 20 phiên.
- Chỉ báo Stochastics phát đi tín hiệu báo mua mới.
- Mục tiêu cho pha tăng giá mới được xác định tại mốc giá 60.000 đồng, tương ứng mục tiêu biến động theo kênh xu hướng trung và dài hạn.
Phân tích:
Trong giai đoạn biến động trung tuần tháng 5/2022, TLG không chỉ thuộc nhóm cổ phiếu ghi nhận tạo đáy sớm trên sàn HOSE mà còn nằm trong số ít các cổ phiếu hoàn bù, thậm chí là ghi nhận biến động vượt trội so với giai đoạn trước khi thị trường bán tháo.
Các quy luật về tính xu hướng và dòng tiền vẫn đang ủng hộ chiều tăng giá. Theo đó, trên cơ sở dư địa biến động được bảo toàn, nhà đầu tư được khuyến nghị mua cổ phiếu TLG cho tầm nhìn ngắn hạn.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.