Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Khối ngoại tiếp tục bán ròng TCB, EIB ghi nhận thêm hàng nghìn tỷ đồng giao dịch thỏa thuận

23/27 mã giảm giá, EIB tiếp tục ghi nhận giao dịch thỏa thuận hàng nghìn tỷ đồng

Thị trường chứng khoán tuần qua (17/10 - 21/10) diễn biến trái ngược hẳn với tuần trước đấy khi VN-Index giảm hơn 40 điểm sau 5 phiên giao dịch. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng không tránh khỏi xu hướng chung khi có tới 23/27 mã giảm giá; 10 mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index tuần qua chiếm 1 nửa là các cổ phiếu ngân hàng.

Cụ thể, TCB là mã giảm mạnh nhất toàn ngành với mức - 10,9%, kết tuần ở 22.900 đồng/cp, mức thấp nhất trong gần 2 năm trở lại. MBB và STB với mức giảm gần 10%, cả 2 cổ phiếu này cũng đã quay về vùng đáy ngắn hạn đầu tháng 10, với thị giá ở quanh mức 16.000 đồng/cp.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn khác như SHB, CTG, VIB, VPB, ... ghi nhận mức giảm từ 3 - 7%. Dù vậy, cổ phiếu của 2 "ông lớn" VCB và BID chỉ chịu sự điều chỉnh nhẹ, ở mức lần lượt là 0,1% và 1,2%.

Ở chiều ngược lại, OCB là mã ngân hàng duy nhất trên HOSE tăng giá trong tuần qua. 3 mã còn lại đều là các cổ phiếu đang giao dịch trên UPCoM là SGB, NAB và VBB với SGB tăng mạnh nhất tuần (+4,1%).

 (Nguồn: Lê Huy tổng hợp). 

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh trong tuần này do tuần trước EIB ghi nhận những giao dịch thỏa thuận đột biến. Cụ thể, tuần qua có 585 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, giảm gần 40% so với tuần trước, giá trị giao dịch tương đương ở mức 11.545 tỷ đồng.

Quán quân về thanh khoản đã quay trở về STB với gần 87 triệu cp được giao dịch, bỏ xa mức 66 và 65 triệu của SHB và EIB đứng sau đó. Trong số 65 triệu cp được giao dịch của EIB, đã có tới 60 triệu cp được trao tay theo phương thức thỏa thuận, tập trung chủ yếu vào phiên giao dịch cuối tuần.

Xét về giá trị giao dịch, EIB đứng đầu toàn ngành với mức 2.520 tỷ đồng, riêng từ giao dịch thỏa thuận đã đóng góp tới hơn 2.300 tỷ đồng. Ngoài ra, chỉ còn 2 mã có giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ là STB (1.503 tỷ đồng) và MBB (1.029 tỷ đồng).

Trong tuần qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 123 tỷ đồng VCB và tiếp tục bán ròng thêm 56 tỷ đồng CTG và 32 tỷ đồng BID. Tính chung trong 2 tuần trở lại, khối ngoại đã bán ròng gần 200 tỷ đồng CTG. Ở chiều ngược lại, nhóm này không có động thái mua vào các cổ phiếu ngân hàng.

Ở một diễn biến khác, nhóm tự doanh tiếp tục bán ròng mạnh 122 tỷ đồng TCB, nâng giá trị bán ròng cổ phiếu này lên hơn 333 tỷ đồng sau 2 tuần trở lại đây.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp). 

Một số tin tức nổi bật ngành ngân hàng trong tuần

Thêm nhiều ngân hàng tiếp tục công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Techcombank báo lãi trước thuế 3 quý đầu đạt 20.800 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ; tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục ở vị thế đầu ngành, đạt 46,5%. 

TPBank lãi trước thuế 5.925 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 72,2% kế hoạch năm (8.200 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ACB đạt 13.503 tỷ đồng, tăng gần 51% so với cùng kỳ và thực hiện gần 90% kế hoạch năm. 

NHNN quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%, có hiệu lực từ ngày 17/10/2022. 

 Trong ba phiên giao dịch cuối tuần này (19/10-21/10), NHNN tiếp tục hút khối lượng lớn tiền đồng ra khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu. 

VietABank nhận được quyết định của Tổng Cục thuế về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế sau khi thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế giai đoạn 2019-2021. VietABank có nghĩa vụ phải nộp tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng vào ngân sách do kê khai sai cộng với số tiền phạt hành chính. 

OCB đã ban hành nhiều nghị quyết về việc nhận tài sản đảm bảo là bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp, trong đó có FLC và CTCP Đại Nam trong 6 tháng đầu năm.
 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm