Chứng khoán

Cổ phiếu một công ty tại Thanh Hóa gấp 3 lần sau 13 phiên tăng trần liên tiếp, kết quả kinh doanh ra sao?

Cổ phiếu THS tăng trần 13 phiên liên tiếp

Trong thời gian gần đây, cổ phiếu THS của CTCP Thanh Hoa - Sông Đà được giới đầu tư chú ý với chuỗi phiên tăng trần liên tiếp. Kết thúc phiên 22/3, mã này dừng ở mức giá 41.900 đồng/cp. Theo đó, cổ phiếu THS đánh đấu 13 phiên tăng kịch trần liên tiếp. Ước tính giá cổ phiếu THS tăng hơn 222% so với thời điểm bắt đầu nhịp tăng.

Quan sát diễn biến giao dịch, ba phiên gần đây thanh khoản xuất hiện ở cổ phiếu THS. Trong những phiên tăng trần trước đó, mã này giao dịch èo uột chỉ từ 100 đến 400 cổ phiếu mỗi phiên. Trước nhịp tăng này, cổ phiếu THS hầu như không giao dịch.

Đáng chú ý, cách đây gần 2 năm, cổ phiếu THS từng có 23 phiên tăng kịch trần liên tiếp trước khi đảo chiều giảm sâu hơn 50% so với mức giá đỉnh 51.600 đồng/cp vào tháng 4 và 5 năm 2020.

Trước diễn biến trên, không ít nhà đầu tư đặt ra câu hỏi liệu cổ phiếu THS sẽ lặp lại lịch sử một lần nữa thậm chí vượt qua vùng đỉnh đã từng thiết lập trong quá khứ.

Một cổ phiếu vật liệu xây dựng tăng gấp 3 lần sau 13 phiên tăng trần liên tiếp - Ảnh 1.

Cổ phiếu THS tăng trần 13 phiên liên tiếp. Nguồn: TradingView.

Chủ sở hữu Thanh Hoa - Sông Đà là ai?

Theo tìm hiểu, cơ cấu cổ đông của công ty khá cô đặc. Với quy mô vốn điều lệ chỉ 30 tỷ đồng, các thành viên trong HĐQT nắm giữ tới 43,3% vốn điều lệ công ty. Danh sách các thành viên này bao gồm: Ông Lê Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT Thanh Hoa - Sông Đà, hiện đang là người nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất với 657.950 cổ phiếu (tỷ lệ 21,93%).

Ông Trương Vạn Thành, Chủ tịch HĐQT Thanh Hoa - Sông Đà đang nắm giữ 286.300 cp (tỷ lệ 9,54%). Ông Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên HĐQT, nắm giữ 255.000 cp (tỷ lệ 7,5%).

Ngoài ra 2 cổ đông lớn khác sở hữu 17,11% vốn điều lệ công ty là ông Nguyễn Xuân Bắc nắm giữ 298.414 cp (tỷ lệ 9,95%) và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nắm giữ 214.841 cp (tỷ lệ 7,16%).

Một cổ phiếu vật liệu xây dựng tăng gấp 3 lần sau 13 phiên tăng trần liên tiếp - Ảnh 2.

Cơ cấu cổ đông của Thanh Hoa - Sông Đà. Nguồn: Đ. Anh tổng hợp.

Thông tin về lịch sử hoạt động, CTCP Thanh Hoa - Sông Đà tiền thân là công ty công nghệ phẩm Thanh Hoá. Tháng 9/2003, công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần và đổi tên thành CTCP thương mại dịch vụ Thanh Hoa.

Tháng 5/2004, do nhu cầu bức thiết phải đầu tư xây dựng cở sở vật chất, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, CTCP thương mại và dịch vụ Thanh Hoa và Tổng Công ty Sông Đà đã thành lập CTCP Thanh Hoa - Sông Đà với vốn điều lệ 10,1 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Sông Đà nắm giữ 51% số vốn. Tổng Công ty Sông Đà sau đó đã tiến hành thoái vốn trong năm 2014.

Hoạt động kinh doanh chính của Thanh Hoa - Sông Đà là bán buôn các mặt hàng tiêu dùng như sứ, nhôm, nhựa; cung cấp và lắp đặt nội thất Hoà Phát, Xuân Hoà; chăn ga gối đệm, bóng đèn phích nước, quat; các thiết bị điện tử điện lạnh và dịch vụ cho thuê mặt bằng,…

Tình hình hoạt động kinh doanh của Thanh Hoa - Sông Đà 

Một cổ phiếu vật liệu xây dựng tăng gấp 3 lần sau 13 phiên tăng trần liên tiếp - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh trong 11 năm gần đây của CTCP Thanh Hoa - Sông Đà. Nguồn: Đ.Anh

Điểm lại tình hình kết quả kinh doanh của công ty giai đoạn 2011 - 2014 cho thấy bức tranh không mấy khởi sắc khi Thanh Hoa Sông Đà chưa có sự đột phá vượt trội về doanh thu cũng như lợi nhuận. 

Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019, công ty có sự tăng trưởng về doanh thu, tuy nhiên lợi nhuận ghi nhận vẫn chưa được cải thiện. 

Tình hình kinh doanh khởi sắc nhất vào năm 2018, công ty hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó doanh thu ở mức 281,07 tỷ đồng đạt 98% so với kế hoạch và tăng 4% so với năm 2017, lãi ròng khoảng 7 tỷ đồng. 

Về tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2021, mặc dù chịu tác động từ đại dịch COVID-19, công ty vẫn ghi nhận doanh thu hơn 278 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020 và vượt 2% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, doanh thu bán hàng hoá chiếm tới hơn 96% doanh thu, đạt hơn 268 tỷ đồng; còn lại hơn 10 tỷ đồng đến từ doanh thu cung cấp dịch vụ. 

Công ty cũng báo lãi năm 2021 là 3,77 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020, đồng thời vượt 48% kế hoạch đề ra. 

Giải trình về kết quả này, công ty đã đưa ra nhiều điều chỉnh trong hoạt động kinh doanh, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ do dịch bệnh COVID-19, cũng như chủ động tiết chế nhiều khoản chi phí không thiết yếu. 

Ngày 10/3 vừa qua, Thanh Hoa Sông Đà đã tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, qua đó thông qua kế hoạch kinh doanh trong năm 2022 với chỉ tiêu tổng doanh thu gần 285 tỷ đồng và LNST kỳ vọng đạt 4 tỷ đồng, tương ứng lần lượt tăng trưởng 2% và hơn 5% so với kết quả thực hiện trong năm trước. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 10%.   

Cùng chuyên mục

Đọc thêm