HPG:
Thị trường chứng khoán ngày 15/5 chứng kiến giao dịch bùng nổ trên cổ phiếu HPG của Hòa Phát. Cổ phiếu này khớp lệnh hơn 45 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch gần 1.400 tỷ đồng, cao nhất toàn thị trường. Tiền vào "ồ ạt" đẩy thị giá HPG tăng 3,3% lên 31.200 đồng/cp, cao nhất trong vòng 2 năm.
Vốn hóa thị trường tương ứng đạt 181.400 tỷ đồng (7,5 tỷ USD), tăng gần 53.000 tỷ (2,2 tỷ USD) so với thời điểm một năm trước. Với mức vốn hóa này, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã vượt qua Vingroup để trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Giá trị của Hòa Phát hiện chỉ kém đúng 4 "ông lớn" do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, Viettel Global và ACV.
Cổ phiếu HPG "bốc đầu", tài sản của gia đình Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cũng tăng vọt. Với tổng lượng sở hữu hơn 2 tỷ cổ phiếu, chiếm 35% vốn tại Hòa Phát, khối tài sản trên sàn chứng khoán của gia đình ông Long ước tính lên đến gần 63.500 tỷ đồng (2,6 tỷ USD).
Trong đó, riêng số cổ phiếu HPG do ông Long trực tiếp nắm giữ đã có giá trị 46.800 tỷ đồng (1,9 tỷ USD), tăng gần 14.000 tỷ sau một năm.
Theo cập nhật từ Forbes, tài sản của ông Trần Đình Long tính đến ngày 15/5/2024 lên đến 2,6 tỷ USD, xếp thứ 1.337 trong danh sách các tỷ phú thế giới. Con số này cao hơn đáng kể so với năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh cao mà vị tỷ phú này từng chạm đến.
Ngày 25/5 tới đây, Hòa Phát sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long sẽ phát hành thêm hơn 580 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 10% (mỗi đông sở hữu 10 cổ phiếu HPG sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới).
Nguồn phát hành được lấy từ thặng dư vốn cổ phần hơn 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.600 tỷ. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Hòa Phát sẽ tăng thêm gần 6.000 tỷ lên gần 64.000 tỷ đồng, tương ứng gần 6,4 tỷ cổ phiếu HPG lưu hành. Con số này đưa Hòa Phát trở thành cái tên có số cổ phiếu lưu hành lớn thứ 2 sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau VPBank.
Theo Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long, những năm qua Hòa Phát phải dành nguồn lực cho đầu tư các dự án lớn, nên chia cổ tức bằng cổ phiếu. Quan điểm của tập đoàn là hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và cổ đông. "Nếu kết quả kinh doanh khả quan, từ năm 2025, Hòa Phát sẽ quay lại chia cổ tức bằng tiền mặt", Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 47% so với thực hiện năm 2023. Quý đầu năm, doanh nghiệp đầu ngành thép ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 2.900 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ 2023. Với kết quả này, Hòa Phát đã thực hiện 29% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Chia sẻ tại cuộc họp đại hội cổ đông đầu tháng 4, tỷ phú Trần Đình Long nói 5-10 năm tới Hòa Phát sẽ dồn lực làm thép. Tập đoàn hiện đang dồn lực hoàn thành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Quảng Ngãi). Dự án này khi vận hành sẽ nâng năng lực sản xuất thép thô của doanh nghiệp lên hơn 14 triệu tấn một năm.
Đến cuối quý 1/2024, Hòa Phát đã đầu tư 26.800 tỷ đồng cho dự án, tăng 1.224 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động vào đầu quý 1/2025. Giai đoạn 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý 4/2025. Dự kiến, khi Dung Quất 2 hoàn thành sẽ đưa Hòa Phát (HPG) vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC Research), Hòa Phát có thể mang về doanh thu gần 190.000 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế khoảng 22.000-23.000 tỷ đồng vào năm 2025 khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động giai đoạn 1. Dự báo của nhóm phân tích được dựa trên 3 giả định.
Đầu tiên là việc Dung Quất có thể hoạt động đến 85% công suất. Bên cạnh đó, yếu tố thị trường nội địa hồi phục, bất động sản dần ấm lên cũng sẽ giúp Hòa Phát cải thiện biên lợi nhuận gộp 19,4%, tăng 4% so với cùng kỳ. Cuối cùng, yếu tố nợ vay dài hạn của Hòa Phát đạt 34.400 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm tính đến cuối năm 2025.