Chứng khoán

Cổ phiếu Hoà Phát (HPG) "trôi" xuống đáy 2 năm, thị giá về vùng 16.x

Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên giao dịch cuối tuần không mấy tích cực, VN-Index đóng cửa dưới ngưỡng 1.020 điểm và trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới ngày 21/10 với mức giảm 3,65%. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu HPG của Hòa Phát cũng không tránh khỏi bị bán mạnh và đóng cửa giảm sâu 6,63% xuống mức 16.900 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất trong vòng gần 2 năm (tính theo giá điều chỉnh) của cổ phiếu đầu ngành thép này.

Như vậy, sau khi chính thức rơi xuống giao dịch trong vùng giá 1x vào thời điểm đầu tháng 10 vừa qua, thị giá HPG tiếp tục giảm sâu xuống vùng 16.xxx đồng như hiện tại. So với mức giá cao nhất từng đạt được từ tháng 10/2021, thị giá hiện tại của HPG bay hơn 61% và đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá trong năm 2021.

Cổ phiếu Hoà Phát (HPG) trôi xuống đáy 2 năm, thị giá về vùng 16.x - Ảnh 1.

Cổ phiếu HPG rơi xuống đáy gần 2 năm, về vùng 16.xxx đồng/cp

Theo đó, mức định giá của HPG thậm chí còn thấp hơn giá trị sổ sách, P/B chỉ đạt 0,76 lần, điều rất hiếm khi xảy ra bởi các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu, thường có P/B lớn hơn 1. Vốn hóa thị trường của HPG bị “thổi bay” khoảng 6,5 tỷ USD trong vòng 1 năm qua, xuống còn 98.300 tỷ đồng.

Như vậy, sau đúng 2 năm kể từ khi vượt qua cột mốc 100.000 tỷ, Hòa Phát lại trở về với giá trị ban đầu, ngày càng xa rời nhóm vốn hóa lớn nhất tại cả sàn HoSE nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. Có thể thấy, việc tỷ phú Trần Đình Long đưa ra những nhận định khó khăn với ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng trong năm 2022 đã và đang dần trở thành hiện thực.

Cổ phiếu Hoà Phát (HPG) trôi xuống đáy 2 năm, thị giá về vùng 16.x - Ảnh 2.

Không còn cái tên HPG trong TOP 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất sàn HoSE

Đà giảm của HPG thời gian qua phần nào đến từ việc dòng tiền không còn đủ dồi dào để hấp thụ lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (freefloat) “khổng lồ”. Với số lượng free float gần 3,2 tỷ đơn vị, giá cổ phiếu HPG chịu nhiều áp lực trong bối cảnh dòng tiền hiện đã không còn đủ dồi dào để hấp thụ lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (freefloat) “khổng lồ”. Điều này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn bùng nổ cuối năm 2021 khi giá trị giao dịch của mã chứng khoán này có phiên lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhờ lực cầu vô cùng lớn, gánh thanh khoản của cả thị trường.

Đồng thời, cổ phiếu HPG sụt giảm trong bối cảnh nhiều yếu tố không thuận lợi ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh, điển hình là giá thép. Theo đó, quý 2/2022 vừa qua có thể xem là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 2 năm trở lại đây đối với ngành thép và cả Hòa Phát. Giá thép giảm trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào vẫn cao khiến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đầu ngành thép giảm 59% so với cùng kỳ, xuống còn khoảng 4.000 tỷ đồng.

Những ngày đầu tháng 10, giá thép xây dựng của Hòa Phát tại thị trường nội địa đang liên tục điều chỉnh giảm trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng vẫn đang tăng chậm. Trong khi đó, giá thép cây thế giới hiện chỉ còn 1/3 so với đỉnh. Chiều ngược lại, giá than cốc luyện thép lại đảo chiều tăng trở lại từ giữa tháng 9. Điều này sẽ làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép.

Thời điểm hiện tại, Hòa Phát chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022. Song, SSI Research dự báo lợi nhuận HPG tiếp tục giảm còn khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, tức giảm 80% so với mức đỉnh trong quý 3/2021. Sự sụt giảm của lợi nhuận trong quý này so với cùng kỳ năm ngoái là do giá thép giảm, đặc biệt là giá thép HRC giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, giá than cốc cao và lỗ tỷ giá do đồng VND giảm giá 2,5% so với USD.

Cổ phiếu Hoà Phát (HPG) trôi xuống đáy 2 năm, thị giá về vùng 16.x - Ảnh 3.

Không chỉ có áp lực từ kết quả kinh doanh, cổ phiếu HPG còn liên tục chịu áp lực bán ra mạnh từ phía nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Chỉ riêng trong tuần 17-21/10, khối ngoại mạnh tay bán ròng tới 630 tỷ đồng cổ phiếu HPG, "đổ thêm dầu vào lửa" vào diễn biến giá cổ phiếu.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng cũng là yếu tố gây bất lợi khi cơ cấu tài chính của Hòa Phát ghi nhận nợ vay chiếm tỷ trọng lớn. Tính đến cuối quý 2/2022, doanh nghiệp đầu ngành thép đang vay nợ hơn 70.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với các tài sản được hưởng lãi suất. Đặc biệt, tập đoàn còn đang chuẩn bị đầu tư cho dự án Dung Quất 2 với tổng mức đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng trong đó nguồn vốn vay chiếm khoảng 35.000 tỷ đồng.

Mặt khác, HPG còn chịu thêm nỗi lo tỷ giá leo thang. Riêng trong quý 2, đồng USD không ngừng tăng khiến doanh nghiệp lỗ tỷ giá 1.100 tỷ đồng.

Trong những tháng tới và năm 2023, Chứng khoán VDSC kỳ vọng doanh số bán thép xây dựng sẽ phục hồi nhanh hơn so với thép dẹt. Tiêu thụ thép xây dựng hàng tháng trong quý 4 có khả năng bình thường trở lại sau khi tăng đột biến vào tháng 9 trong khi HRC và tôn mạ vẫn yếu do nhu cầu thấp từ các thị trường lớn (Mỹ và EU). Sang năm 2023, VDSC cũng kỳ vọng thép xây dựng sẽ tăng trưởng mạnh hơn thép dẹt trên cơ sở triển vọng giải ngân đầu tư công của Chính phủ Việt Nam sẽ tăng tốc trong khi lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trên toàn cầu cho đến giữa năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm