Chứng khoán

Cổ phiếu HCM nổi sóng cùng “game” tăng vốn, Chứng khoán HSC trở lại cuộc đua sau nhiều năm đánh mất vị thế?

HCM:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp

Sau một thời gian có phần “im hơi, lặng tiếng”, cổ phiếu các công ty chứng khoán đã bất ngờ bứt phá mạnh, dẫn dắt thị trường hồi phục phiên 26/2. SSI, VND, VCI, MBS, SHS, BSI, CTS, AGR,… đều đồng loạt tăng mạnh. Thậm chí, cổ phiếu HCM của Chứng khoán HSC còn tăng kịch trần với thanh khoản kỷ lục gần 32 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Phiên bứt phá mạnh đẩy thị giá HCM lên mức 28.300 đồng/cp, cao nhất trong hơn 25 tháng kể từ giữa tháng 1/2022. Sau gần 4 tháng nổi sóng (từ đầu tháng 11 năm ngoái), cổ phiếu này đã tăng gần 67%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng lên trên 21.300 tỷ đồng, chỉ còn kém khoảng 13% so với mức kỷ lục đạt được hồi cuối tháng 11/2021.

Cổ phiếu HCM nổi sóng cùng “game” tăng vốn, Chứng khoán HSC trở lại cuộc đua sau nhiều năm đánh mất vị thế?- Ảnh 1.

Trong quá khứ, Chứng khoán HSC từng có thời gian dài nằm trong top cạnh tranh vị trí số 1 ngành chứng khoán về nhiều mặt. Cổ phiếu HCM thậm chí còn được xem là chỉ báo cho các con sóng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, hoạt động tăng vốn gặp nhiều khó khăn đã khiến CTCK này dần đánh mất vị thế khi các đối thủ cạnh tranh vươn lên mạnh mẽ. Thị phần môi giới trên HoSE liên tục sụt giảm từ mức trên 12% năm 2016 xuống còn 5,32% vào năm 2023.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, lãnh đạo Chứng khoán HSC cho biết, việc tăng vốn chậm là một trong những nguyên nhân khiến HSC tụt lại phía sau. “Trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp nào có vốn lớn sẽ lấy được thị phần. Công ty đã bị mất rất nhiều khách hàng lớn vào tay các đối thủ có vốn mạnh hơn” – Chủ tịch HĐQT Chứng khoán HSC nhấn mạnh.

Cổ phiếu HCM nổi sóng trở lại trong bối cảnh nút thắt tăng vốn của Chứng khoán HSC được cởi bỏ sau nhiều năm “nâng lên, đặt xuống”. Sau khi được cổ đông thông qua và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, ngay đầu năm 2024, CTCK này đã thực hiện chốt quyền chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (228,6 triệu cổ phiếu - tỷ lệ 2:1) và phát hành cổ phiếu trả cổ tức đợt 2 năm 2021 (68,6 triệu cổ phiếu - tỷ lệ 15%).

Giá chào bán cho cổ đông hiện hữu là 10.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị vốn huy động dự kiến hơn 2.286 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt cháo bán dự kiến được phân bổ 78,13% cho hoạt động giao dịch ký quỹ (margin), tương đương 1.786 tỷ đồng; còn lại 21,87% cho hoạt động tự doanh. Thời gian đăng ký mua dự kiến từ ngày 16/1-26/2/2024.

Sau khi thực hiện thành công, Chứng khoán HSC sẽ nâng vốn điều lệ từ gần 4.581 tỷ đồng lên hơn 7.552 tỷ đồng, xếp thứ 5 trong ngành. Dù vẫn còn khiêm tốn so với những cái tên top đầu như SSI, VPBankS, VNDirect nhưng động thái tăng vốn rõ ràng là một tín hiệu lạc quan, hứa hẹn mang đến những thay đổi tích cực trong tình hình kinh doanh của công ty trong thời gian tới.

Cổ phiếu HCM nổi sóng cùng “game” tăng vốn, Chứng khoán HSC trở lại cuộc đua sau nhiều năm đánh mất vị thế?- Ảnh 2.

Đáng chú ý, trong đợt tăng vốn lần này, cổ đông Nhà nước là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) - cổ đông lớn nắm giữ gần 105,77 triệu cổ phiếu HCM (tỷ lệ 23,09% vốn) nhiều khả năng sẽ không tham gia. Tổ chức này mới đây đã đăng ký bán toàn bộ 105,77 triệu quyền mua hiện có theo phương thức bán đấu giá thông qua HoSE trong thời gian dự kiến từ ngày 28/2 đến 13/3 tới đây. Trong trường hợp Chứng khoán HSC tăng vốn thành công và HFIC bán hết quyền mua, tỷ lệ sở hữu của cổ đông này sẽ giảm xuống còn 14%.

Trong báo cáo chiến lược 2024 mới công bố, SSI Research đánh giá những CTCK có khả năng tăng vốn sớm hơn sẽ có điều kiện tốt hơn để đẩy nhanh hoạt động cho vay ký quỹ, giành thêm thị phần và đạt kết quả khả quan hơn so với các CTCK khác.

Theo bộ phận phân tích này, các CTCK đã đẩy mạnh hoạt động tăng vốn kể từ quý 2/2023 nhằm chuẩn bị cho nhu cầu của thị trường sắp tới. Ngoại trừ một số lượng nhỏ các CTCK tăng vốn nhằm tái cấu trúc danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của mình, việc tăng vốn sẽ mở rộng khả năng cho vay ký quỹ của các CTCK và duy trì bảng cân đối kế toán lành mạnh, cũng như đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn mà UBCK đưa ra.

Cổ phiếu HCM nổi sóng cùng “game” tăng vốn, Chứng khoán HSC trở lại cuộc đua sau nhiều năm đánh mất vị thế?- Ảnh 3.

Cuộc đua tăng vốn được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vốn của các CTCK thời gian tới. Theo SSI Research, mặc dù tỷ lệ dư nợ cho vay ký quỹ/vốn hóa thị trường hiện tại đang ở mức cao, khả năng của việc lặp lại kịch bản giải chấp mức độ rộng như giai đoạn cuối 2022 là khó có thể xảy ra nếu nhìn vào tỷ lệ/vốn chủ sở hữu của thị trường (được kiểm soát tốt). Đồng thời, mức độ cho vay ký quỹ/vốn hóa chưa phản ánh toàn diện tốc độ tăng trưởng nội tại của thị trường.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm