Thị trường chứng khoán gặp điều chỉnh trong phiên 6-12. Trong ảnh: nhà đầu tư theo dõi thị trường - Ảnh: BÔNG MAI
Ngay khi mở đầu phiên giao dịch hôm nay 6-12, sắc đỏ giảm điểm lập tức bủa vây sàn chứng khoán. "Tưởng ra tin nới room tín dụng sáng nay sẽ xanh, ai ngờ đỏ lòm", anh Tuấn Vũ (nhà đầu tư ở TP.HCM) chia sẻ khi chứng kiến thị trường điều chỉnh.
Cổ phiếu ngành bất động sản đang gặp áp lực lớn. Nổi bật mã NVL (Novaland) giằng co quanh mốc sàn. Trong khi đó nhiều cổ phiếu khác như PDR (Bất động sản Phát Đạt), VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup)... cũng bị rớt giá.
Sau khi tin nới room tín dụng vừa chính thức được tung ra, nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng như VCB (Vietcombank), BID (BIDV), CTG (Vietinbank)... lại bị giảm điểm, thể hiện rõ xu hướng chốt lời. Đối lập, các mã LPB (LietVietpostBank), HDB (HDBank)... vẫn cầm cự trong sắc xanh tăng trưởng.
Ngược dòng điều chỉnh của thị trường chung, cặp đôi cổ phiếu HAG (Hoàng Anh Gia Lai) và HNG (Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai) đồng loạt tăng trần. Song song đó, dòng tiền cũng đổ vào mua cổ phiếu DCM (Đạm Cà Mau), VHC (Vĩnh Hoàn), DPM (Đạm Phú Mỹ), DGC (Hóa chất Đức Giang)...
Thị trường đang có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Trong đó tập trung mua nhẹ các cổ phiếu ngành năng lượng, hàng tiêu dùng thiết yếu và công nghiệp. Ngược lại, nhà đầu tư bán ra cổ phiếu ngành bất động sản, tài chính, nguyên vật liệu, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tiện ích và công nghệ thông tin.
Tạm khép phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 16,08 điểm (-1,47%) xuống 1.077,59 điểm. Cả sàn UpCOM cũng giảm 0,62 điểm (-0,85%) xuống 72,62 điểm. Dù vậy, sắc xanh vẫn duy trì trên sàn HNX khi tăng nhẹ 0,38 điểm (+0,17%) lên 220,34 điểm.
Bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI cho biết nhờ động lực từ khối ngoại, trong các phiên tới khả năng chỉ số VN-Index sẽ kiểm định lại vùng kháng cự gần 1.100 điểm. Nếu vượt cản thành công, nhiều khả năng chỉ số sẽ mở rộng vùng mục tiêu lên ngưỡng 1.125 - 1.135 điểm. Ngược lại, chỉ số này sẽ kiểm định trở lại vùng hỗ trợ gần 1.073 - 1.070 điểm.
Theo Chứng khoán Yuanta, thị trường có dấu hiệu tăng vào vùng quá mua cho nên có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong vài phiên tới, đặc biệt áp lực chốt lời có dấu hiệu gia tăng. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại, nhưng tâm lý ngắn hạn chưa phải ở giai đoạn hưng phấn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể hạn chế mua đuổi ở giai đoạn hiện tại và chờ mua ở nhịp điều chỉnh sâu hơn.
Rủi ro ngắn hạn trên chỉ số Dow Jones gia tăng
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, phố Wall điều chỉnh mạnh trong phiên 5-12 trên cả ba chỉ số chính khi nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tăng lãi suất nhiều hơn trong năm 2023 do dữ liệu vĩ mô đang mạnh mẽ hơn, đặc biệt là dữ liệu về lao động.
Trong đó nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh do giá dầu Brent đóng cửa giảm hơn 3,5%. Ngoài ra nhóm cổ phiếu công nghệ hoạt động cũng kém hiệu quả.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa -1,4% và đồ thị giá giảm dưới mức đỉnh tháng 8-2022. Theo Chứng khoán Yuanta, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của ba chỉ số chính vẫn duy trì ở mức tăng.