Mưa sao băng Draconids diễn ra từ ngày 6-10 đến ngày 10-10 - Ảnh minh họa: ISTOCK
Mưa sao băng là sự kiện xảy ra khi các chùm mảnh vỡ vũ trụ chủ yếu do sao chổi hoặc tiểu hành tinh (hiếm gặp hơn) đi qua bầu khí quyển của Trái đất với tốc độ cao và bốc cháy. Trong những sự kiện này, nhiều thiên thạch có thể được nhìn thấy thành vệt trên bầu trời.
Draconids là trận mưa sao băng không thường xuyên, tương đối yên tĩnh, nhưng trong những trường hợp hiếm hoi lại tạo ra hoạt động rất mạnh, theo tờ Newsweek.
Theo báo cáo của NASA, vào năm 1933, mưa sao băng Draconids từng đạt cực đại với khoảng 500 sao băng/phút khi quan sát ở châu Âu. Năm 1946, tại Mỹ ghi nhận 50-100 sao băng/phút từ trận mưa sao này.
Thông tin từ Đài quan sát Hoàng gia Greenwich ở London, Anh, năm nay mưa sao băng Draconids diễn ra từ ngày 6 đến ngày 10-10.
Ngày Draconids hoạt động cực đại là ngày 8-10, nhưng tỉ lệ sao băng dự kiến sẽ không cao, chỉ khoảng 10 sao băng/giờ, theo tính toán của Tổ chức Sao băng quốc tế (IMO). Ánh sáng từ Mặt trăng gần tròn cũng sẽ là trở ngại lớn đối với những người cố gắng quan sát sự kiện.
Bà Tania de Sales Marques, nhà thiên văn học của Đài quan sát Hoàng gia Anh, cho biết: "Mưa sao băng Draconids có thể sáng nhưng sẽ khó phát hiện vì trăng tròn thắp sáng bầu trời suốt đêm. Năm nay chỉ có khoảng 10 sao băng mỗi giờ, nhưng các sao băng có thể gây bất ngờ và được nhìn rõ nhất từ Bắc Bán Cầu, chúng có thể lên đến 1.000 sao băng/giờ".
Theo trang Inverse, để ngắm sao băng, bạn hãy ra ngoài vào khoảng 2h sáng theo giờ địa phương và cho mắt ít nhất 20 phút để thích nghi với bóng tối. Bạn không cần phải mang theo bất kỳ kính viễn vọng hoặc ống nhòm nào, nhưng có thể cần chiếc ghế nhỏ và một áo ấm.
Trận mưa sao băng tiếp theo sẽ là Orionids, đạt cực đại vào ngày 21-10 và thường tạo ra "màn trình diễn" ngoạn mục. Một trận mưa sao băng khác đáng theo dõi là Leonids, đạt cực đại vào ngày 17-11 và thường tạo ra các thiên thạch sáng để người yêu thích thiên văn thỏa sức xem.