Doanh nghiệp

Cảng Chu Lai đón TEU quốc tế thứ một triệu

Đón hai tàu lớn, đánh dấu cột mốc TEU thứ một triệu

Tàu Songa Tiger dài gần 175,4 m, rộng trên 27 m, tải trọng hơn 23.400 tấn. Đến nay, đây là tàu container có chiều dài lớn nhất mà cảng Chu Lai, thuộc công ty Giao nhận vận chuyển quốc tế Trường Hải (Thilogi) tiếp nhận.

Sắp tới, tàu sẽ cập cảng với tần suất 10 chuyến một tháng, góp phần kết nối hàng hóa miền Trung với thị trường quốc tế nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Cùng ngày, cảng Chu Lai đón thêm tàu container Sitc Zhe Jiang dài 172 m, tải trọng gần 21.400 tấn.

Tàu Songa Tiger tại cảng Chu Lai, ngày 5/10. Ảnh: Thilogi

Tàu Songa Tiger tại cảng Chu Lai, ngày 5/10. Ảnh: Thilogi

Các loại hàng hóa hai tàu trên vận chuyển chủ yếu là nguyên liệu, sản phẩm xuất nhập khẩu từ các doanh nghiệp miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào và Bắc Campuchia. Danh mục sản phẩm gồm áo ghế, linh kiện ôtô, bồn nhiên liệu, thiết bị y tế, sợi dệt, linh kiện phụ tùng, nông sản...

Việc đón hai tàu lớn cùng ngày góp phần đánh dấu cột mốc teu container quốc tế thứ một triệu thông qua cảng. Số liệu tính từ cuối năm 2016, cảng Chu Lai hợp tác hãng tàu Sitc, khai trương tuyến hàng hải quốc tế trực tiếp đầu tiên từ Hàn Quốc đến đây. Sau đó, Thilogi đã mở thêm nhiều tuyến hàng hải trực tiếp đến các cảng lớn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... góp phần thúc đẩy giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế.

Đẩy mạnh đầu tư phục vụ xuất nhập khẩu

Hiện tiềm năng và nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tại miền Trung ngày càng tăng. Sự dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào khu vực này đã góp phần mở ra cơ hội phát triển các vùng sản xuất lớn, hỗ trợ thúc đẩy logistics phục vụ xuất nhập khẩu.

Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp, trong đó có cảng Chu Lai, thực hiện các giải pháp đồng bộ hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu chi phí cho khách hàng. Để sớm đáp ứng điểm này, cảng cần hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án bến cảng đón tàu 5 vạn tấn, dự kiến đưa vào khai thác từ tháng 9/2023.

Tàu SITC Zheng Jiang cập cảng Chu Lai. Ảnh: Thilogi

Tàu SITC Zheng Jiang cập cảng Chu Lai. Ảnh: Thilogi

Song song đó, Thilogi cũng phối hợp với tỉnh Quảng Nam, trình đầu tư xây dựng tuyến luồng mới Cửa Lở có độ sâu dự kiến -13,2 m, đảm bảo đón tàu tải trọng lớn, giúp rút ngắn quãng đường từ phao số 0 vào cảng Chu Lai. Các dự án khi hoàn thành kỳ vọng đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu tăng mạnh tại khu vực, góp phần giảm chi phí logistics; từng bước phát triển cảng Chu Lai thành một trong những cảng container lớn nhất miền Trung.

Mặt khác, cảng Chu Lai cũng đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng cho các tàu lớn, đẩy mạnh chuyển đổi số, nghiên cứu và đưa vào sử dụng phần mềm cảng điện tử, quản lý bãi container, kho hàng... nhằm tối ưu hóa quy trình giao nhận, giảm thiểu chi phí logistics. Cảng còn tăng cường mời gọi, hợp tác với các hãng tàu lớn như Cosco, Evergreen... mở thêm các tuyến hàng hải trực tiếp đến các cảng lớn trên thế giới.

Đây được xem là điều kiện quan trọng để cảng Chu Lai tiếp tục đón nhiều tàu lớn, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa sang châu Mỹ, châu Á, châu Âu... với chi phí hợp lý, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm