Theo báo cáo chiến lược tháng 9 mới đây của SSI Research, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu hầu hết hồi phục nhanh trở lại sau đợt bán mạnh tuần đầu tháng 8.
Lo ngại từ hoạt động “carry trade” khi Nhật Bản nâng lãi suất khiến các tài sản rủi ro, trong đó có cổ phiếu bị bán tháo trong tuần đầu tháng nhưng hầu hết các thị trường bật lại mạnh sau đó nhờ thông điệp mạnh mẽ hơn của Fed về khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 9. Đáng chú ý là sự hồi phục tốt hơn ở các TTCK trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philipines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Đồng pha với TTCK Mỹ trong tháng, TTCK Việt Nam cũng là một trong các thị trường hồi phục tốt. Lực bán mạnh ở tuần đầu tiên khiến VN-Index lùi về mốc thấp nhất 1.188 điểm nhưng phục hồi ấn tượng ngay sau đó. Kết phiên 30/8 tại 1.283,87 điểm, VN-Index đã phục hồi 8% từ đáy ngắn hạn và tăng 32 điểm, tăng 2,6% so với tháng cuối tháng 7. VN-Index chỉ còn cách 1,36% so với mức đỉnh hồi giữa tháng 6.
Bù đắp cho biến động khó lường từ bên ngoài, TTCK Việt Nam vẫn được hỗ trợ tốt từ các yếu tố nội tại trong nước như xu hướng phục hồi của nền kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, rủi ro tỷ giá giảm đáng kể trước xu hướng hạ nhiệt của đồng USD và chính sách của Chính phủ/Ngân hàng Nhà nước vẫn nghiêng về hướng hỗ trợ.
Thanh khoản thị trường chưa được cải thiện và ở mức khiêm tốn, đặc biệt khi VN-Index tiệm cận vùng đỉnh cũ và dòng tiền đầu tư trong xu hướng chung là thận trọng trước thềm cuộc họp bản lề của Fed. Giá trị giao dịch bình quân tháng 8 xấp xỉ tháng liền trước, đạt 16,6 nghìn tỷ đồng, thấp hơn bình quân từ đầu năm 2024 là 20,4 nghìn tỷ đồng.
Phân bổ dòng tiền nghiêng về nhóm vốn hóa trung bình, trong khi đó giảm ở nhóm vốn hóa lớn. So với thanh khoản bình quân 7 tháng đầu năm 2024, thanh khoản chỉ gia tăng ở cổ phiếu các nhóm điện, nước và xăng dầu khí đốt, bảo hiểm, hàng cá nhân gia dụng và công nghệ thông tin. Điều này thể hiện tính thận trọng rõ nét của dòng tiền.
Cơ hội nào cho VN-Index trong tháng 9?
Theo nhận định của SSI Research, trên biểu đồ trung hạn, vùng kháng cự 1.290 - 1.296 tiếp tục là thách thức ngắn hạn với VN-Index. RSI và ADX trên biểu đồ trung hạn có dấu hiệu suy giảm dần, nhưng vẫn giữ tín hiệu trung tính, cho thấy thị trường chưa có tín hiệu rõ ràng cho xu hướng. Các mốc điểm số quan sát là ngưỡng chặn trên 1.296 điểm – ngưỡng chặn dưới 1.203 điểm.
Nhóm phân tích của SSI Research chỉ ra những kỳ vọng với diễn biến của thị trường trong tháng 9. Cụ thể, với tăng trưởng bình quân là âm 0,6% trong 14 năm gần nhất, tháng 9 thông thường là tháng không nhiều biến động trên TTCK Việt Nam, trừ các năm bị tác động mạnh bởi tỷ giá như năm 2022 và năm 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng VN-Index trong quý IV hàng năm, bình quân đạt mức tích cực 3,3%.
Song song đó, định giá hấp dẫn là lợi thế. P/E Forward của VN-Index tăng nhẹ lên 11,6 lần vào ngày 6/9, mức hấp dẫn hơn so với một số TTCK khu vực Đông Nam Á. Các TTCK Đông Nam Á tạo điểm sáng trong nhịp hồi phục trong tháng 8 vừa qua. Trong bối cảnh khả năng các thị trường mới nổi hưởng lợi khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ thì yếu tố định giá hấp dẫn có thể là một điểm đến của dòng tiền.
TTCK Việt Nam có lợi thế, đã phục hồi ấn tượng trong tháng 8 nhờ xu hướng hồi phục của nền kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận tích cực trên diện rộng. Dựa trên danh sách theo dõi của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ có thể đạt mức 21,7% trong nửa cuối năm 2024; tăng tốc đáng kể so với mức chỉ 6,2% trong 6 tháng đầu năm.
Trong khi đó, dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi Ngân hàng Nhà nước có thể điều hành chính sách theo hướng nới lỏng khi Fed chính thức hạ lãi suất và đồng USD hạ nhiệt.
Nhìn chung, mặc dù có thể còn những biến động khi phải thận trọng theo dõi các dữ liệu về các kịch bản của nền kinh tế Mỹ, đã có nhiều hơn các yếu tố có thể tác động tích cực lên lên TTCK Việt Nam cho giai đoạn cuối năm khi tăng trưởng đi kèm với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ.
"Chúng tôi kỳ vọng điểm số và thanh khoản của thị trường sẽ khởi sắc hơn trong 2 tuần cuối tháng 9 khi trọng tâm theo dõi sẽ quay lại tập trung vào các yếu tố nội tại trong nước. Nhà đầu tư có thể tiếp tục phân bổ danh mục cân bằng, vừa đảm bảo hưởng lợi từ kỳ vọng hồi phục tăng trưởng như tiêu dùng (thực phẩm, bán lẻ), xuất khẩu, ngân hàng, xây dựng/vật liệu xây dựng)", báo cáo của SSI Research chỉ ra.