Thời sự

Có con làm công an, cặp vợ chồng nghỉ hưu vẫn bị cán bộ "dởm" lừa 10 tỷ đồng

28 bị hại trong các vụ giả danh cán bộ nhà nước lừa đảo

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đang phối hợp rà soát bị hại trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định có 28 bị hại trên địa bàn thành phố Hà Nội và các đối tượng đã sử dụng 18 tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ bị hại. Trong đó, đáng chú ý có một trường hợp hy hữu là cặp vợ chồng nghỉ hưu bị lừa mười tỷ đồng trong khi có con làm trong ngành công an.

Cụ thể, Công an TP Hà Nội công bố 1 trong số 28 bị hại có thông tin như sau: Hai vợ chồng, nghề nghiệp: hưu trí, có con làm trong nghành Công an, số tiền bị chiếm đoạt hơn 10.000.000.000 đồng (mười tỷ đồng) vào khoảng thời gian tháng 01/2024.

Một nạn nhân khác thì có người nhà làm ngân hàng vẫn bị kẻ gian lừa chiếm đoạt gần 700 triệu đồng. Thậm chí, có bị hại còn rút cả tiền gửi tiết kiệm và tiền bán khoảng 20 cây vàng (tổng cộng 1,9 tỷ đồng) để gửi cho các đối tượng.

Cũng theo Công an TP.Hà Nội, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng 18 tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ bị hại. Trong đó, 3 tài khoản mở tại VPBank, 2 tài khoản mở tại VIB, 2 tài khoản mở tại TPBank, 2 tài khoản tại Techcombank. Còn lại là các tài khoản mở tại MBBank, ABBank, Vietinbank, VietBank, Vietcombank, ACB, SHB.

Công an TP.Hà Nội đề nghị các bị hại đã chuyển tiền vào 18 tài khoản ngân hàng của các đối tượng liên hệ với Phòng An ninh mạng (địa chỉ 55 Lý Thường Kiệt, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) hoặc công an quận, huyện, thị xã nơi gần nhất để giải quyết vụ việc.

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng 

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án,... liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội đe dọa người dân rằng họ có liên quan đến vụ án ma túy; bắt cóc trẻ em; rửa tiền hoặc thông báo thuê bao di động của bị hại liên quan đến việc các đối tượng lợi dụng để đăng tải các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước và sẽ bị cắt thuê bao;... 

Đồng thời, các đối tượng thông báo bị hại sẽ có lệnh bắt tạm giam, phong tỏa tài sản, cắt thuê bao di động (có trường hợp các đối tượng làm giả các lệnh bắt gửi qua mạng xã hội cho bị hại để đe dọa). 

Khi bị hại lo sợ thì chúng yêu cầu phải hợp tác với cơ quan chức năng để chứng minh tiền trong sạch, không liên quan đến tội phạm bằng cách đi đến ngân hàng đăng ký tài khoản và dịch vụ ngân hàng điện tử, cung cấp các thông tin đăng nhập, mã OTP cho đối tượng, rút sổ tiết kiệm, vay tiền gửi vào tài khoản mới mở. 

Khi bị hại gửi hết tiền vào tài khoản mới mở mang tên mình, đối tượng sẽ chiếm quyền sử dụng và chuyển hết tiền đến các tài khoản khác của chúng để chiếm đoạt.

Dấu hiệu nhận biết đối tượng lừa đảo 

Sử dụng số điện thoại giả mạo: Kẻ lừa đảo thường sử dụng số điện thoại giả mạo, thường là số của các cơ quan như công an, viện kiểm sát hoặc tòa án hiển thị trên màn hình điện thoại của bạn. Cần lưu ý rằng các cơ quan chính thức không bao giờ sử dụng số điện thoại giả mạo.

Đe dọa và áp lực tâm lý: Kẻ lừa đảo có thể sử dụng các hành vi đe dọa, áp lực tâm lý như đe dọa, hăm dọa hoặc nói dối về việc liên quan đến các vụ án đang được điều tra để gây áp lực và tận dụng sợ hãi của nạn nhân.

Yêu cầu chuyển tiền hoặc thông tin cá nhân: Kẻ lừa đảo thường yêu cầu bạn chuyển tiền vào một tài khoản cụ thể hoặc cung cấp thông tin cá nhân như số thẻ tín dụng, số CMND, mã số bảo mật và các thông tin nhạy cảm khác. Hành động này nhằm mục đích lấy cắp tài sản của bạn.

Tạo áp lực thời gian: Kẻ lừa đảo thường tạo ra áp lực thời gian, tuyên bố rằng hành động phải được thực hiện ngay lập tức để tránh hậu quả nghiêm trọng. Họ sẽ cố gắng thuyết phục bạn rằng không có thời gian để suy nghĩ hoặc tham khảo ý kiến từ người khác.

Để phòng tránh và tự bảo vệ khỏi các hình thức lừa đảo như vậy, cần thực hiện các biện pháp sau:

Giữ bình tĩnh và không bị đánh lừa bởi áp lực tâm lý và đe dọa. 

Xác minh danh tính và thông tin của người gọi bằng cách gọi lại vào số điện thoại chính thức của cơ quan hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan qua các kênh chính thức. 

Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tiền bạc qua điện thoại, email hoặc các phương tiện truyền thông khác. 

Nếu nhận được cuộc gọi đe dọa hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, thông báo ngay cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn.

Nhớ rằng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không bao giờ yêu cầu bạn chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin nhạy cảm qua điện thoại mà không có văn bản thông báo trước.

Danh sách 18 tài khoản Ngân hàng có liên quan đến các đối tượng lừa đảo, người dân đặc biệt cảnh giác:

1. Tài khoản số: 0902584210 mở tại Ngân hàng VIB;

2. Tài khoản số 902547184 mở tại Ngân hàng VIB mang tên LE VAN THUAN;

3. Tài khoản số 0799081343 mở tại Ngân hàng MBBank mang tên BUI DAC THINH;

4. Tài khoản số 0387894234 mở tại Ngân hàng ABBank mang tên NGUYEN QUANG HUY;

5. Tài khoản số 19039637287014 mở tại Ngân hàng Techcombank mang tên NGUYEN QUOC TUOI;

6. Tài khoản số 101877219605 mở tại Ngân hàng Vietinbank mang tên HO VAN KHANG;

7. Tài khoản số 00001120473 mở tại Ngân hàng TPBank mang tên PHAM QUOC HUNG;

8. Tài khoản số 00001763199 mở tại Ngân hàng TPBank mang tên VU THI HONG VY;

9. Tài khoản số 2300105460008 mở tại Ngân hàng MBBank mang tên DINH NHU Y;

10. Tài khoản số 0387894234 mở tại Ngân hàng ABBank mang tên NGUYEN QUANG HUY;

11. Tài khoản số 000003482456 mở tại Ngân hàng VietBank mang tên LE VAN TRUNG

12. Tài khoản số 0026H590511 mở tại Ngân hàng VPBank mang tên NGUYEN QUOC TUOI;

13. Tài khoản số 3490868686 mở tại Ngân hàng Techcombank mang tên NGUYEN HONG MINH;

14. Tài khoản số 33008597 mở tại Ngân hàng ACB mang tên NGUYEN VAN TRUONG;

15. Tài khoản số 0585635837 mở tại Ngân hàng SHB mang tên VU HONG TUYEN;

16. Tài khoản số 0026H366071 mở tại Ngân hàng VPBank mang tên NGUYEN DUC TRUNG;

17. Tài khoản số 06630934523 mở tại Ngân hàng VPBank mang tên DUONG VAN TAN;

18. Tài khoản số 9934692873 mở tại Ngân hàng Vietcombank mang tên NGUYEN HUU QUOC HIEU


Cùng chuyên mục

Đọc thêm