Hành vi này được nêu trong kết quả thanh tra về quản lý thông tin thuê bao di động được Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM công bố ngày 20/7, sau quá trình thanh tra chi nhánh tại TP HCM của năm doanh nghiệp viễn thông di động. Theo đó, đoàn nhận thấy có tình trạng "sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ để giả mạo thông tin, sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ để thay đổi số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân trên ảnh chụp giấy tờ của cá nhân", từ đó thực hiện giao kết hợp đồng và sử dụng dịch vụ viễn thông.
Ngoài ra, bốn hành vi vi phạm khác cũng bị phát hiện và xử phạt. Thứ nhất là ký hợp đồng dịch vụ ủy quyền với cá nhân để thực hiện việc giao kết hợp đồng. Thứ hai là bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao và kích hoạt sẵn dịch vụ nhưng chưa hoàn thành hợp đồng. Thứ ba là thực hiện đăng ký thông tin thuê bao ở bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Sai phạm thứ tư là sử dụng giấy tờ tùy thân của cá nhân mà không được sự đồng ý.
Đoàn thanh tra cũng cho biết đã xử phạt hành chính với 10 điểm giao dịch, với số tiền phạt 610 triệu đồng. Ngoài ra, 1,7 nghìn sim vi phạm đã bị ngừng cung cấp dịch vụ.
Việc thanh tra diện rộng về quản lý sim thuê bao bắt đầu từ tháng 5, sau khi hoàn tất việc chuẩn hóa thông tin thuê bao. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã tổ chức 82 đoàn trên cả nước để thanh tra việc quản lý sim của các nhà mạng, điểm cung cấp, và những cá nhân, tổ chức sở hữu trên 10 sim.
Hiện chưa có thời gian công bố kết luận của đợt thanh tra. Tuy nhiên, kết quả sơ bộ cho thấy có tình trạng một thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh thành khác nhau trong thời gian rất ngắn. Chủ thuê bao không có ảnh chụp, thậm chí gửi ảnh cởi trần. Ngoài ra, có tình trạng nhiều người đăng ký từ sim thứ tư trở lên nhưng không thực hiện giao kết hợp đồng theo quy định.
Hôm 17/7, ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Viễn thông cho biết đến giữa tháng 7, các doanh nghiệp viễn thông đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với tất cả 100% các thuê bao là khách hàng tổ chức, tiếp tục xử lý đến các khách hàng cá nhân đứng tên nhiều sim.
"Với sự vào cuộc rất tích cực của các nhà mạng hiện nay, đến ngày 30/8 sẽ giải quyết xong tình trạng sử hữu trên 10 sim", ông Hải khẳng định.
Với hành vi cố tình giả mạo giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao, hoặc sử dụng trái phép thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt sim, ông Hải cho biết "tùy theo mức độ vi phạm, đoàn thanh tra sẽ chuyển cho cơ quan công an để tiếp tục xử lý".
Việc đảm bảo người dùng sử dụng sim chính chủ là công đoạn cuối cùng trong việc xử lý sim rác. Theo đại diện Cục Viễn thông, tình trạng các cá nhân, tổ chức đứng tên nhiều sim, nhưng không sử dụng, là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng sim rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác gây mất trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng. Người đứng tên cũng có thể bị liên đới nếu sim bị dùng trong hoạt động phạm pháp.