Bất động sản

Cơ chế đặc thù cho quy hoạch sông Hồng

Cơ chế đặc thù cho quy hoạch sông Hồng - Ảnh 1.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là bản quy hoạch lịch sử được mong đợi mang đến diện mạo mới cho Thủ đô

Cụ thể, cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu trình Quốc hội có cơ chế đặc thù cho TP Hà Nội, trong đó: Phát triển ngành du lịch, quy hoạch sông Hồng, đề án giãn dân quận Hoàn Kiếm, tuyến phố Tràng Tiền thành tuyến phố thời trang cao cấp...; đồng thời, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trả lời về vấn đề trên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hà Nội đã được thực hiện qua Luật Thủ đô năm 2012, Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội,...

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết, để tiếp tục trình Quốc hội cơ chế đặc thù cho Hà Nội, TP cần có đánh giá tổng thể, chi tiết về việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành, những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả như mong đợi, từ đó xác định sự cần thiết và phù hợp của việc xây dựng cơ chế đặc thù cho TP Hà Nội trong thời gian tới.

Trả lời riêng về nội dung quy hoạch sông Hồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Tư pháp đang tiến hành rà soát, tổng kết Luật Thủ đô.

Đối với kiến nghị của cử tri sẽ được xem xét, nghiên cứu trong quá trình sửa Luật Thủ đô gắn với xây dựng triển khai Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là bản quy hoạch lịch sử được mong đợi sẽ mang đến diện mạo mới cho Thủ đô với không gian xanh và trục phát triển đa chiều về phía Đông thay vì chỉ tập trung về phía Tây.

Cuối tháng 3/2022, sau gần 30 năm "ấp ủ", UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô gần 11.000ha.

Cơ chế đặc thù cho quy hoạch sông Hồng - Ảnh 2.

Cơ chế đặc thù cho quy hoạch sông Hồng cần được cụ thể hóa tại Luật Thủ đô

Quy hoạch này đã tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc; là bước khởi đầu cho chặng đường hiện thực hóa giấc mơ "thành phố hai bên sông Hồng."

Đặc biệt, đây sẽ là bước đột phá mới, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình kiến thiết diện mạo Thủ đô, phát triển khu vực sông Hồng trở thành trục "hành lang xanh" đặc trưng của thành phố, góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa, du lịch và ổn định cuộc sống của người dân vùng ven sông. Hiện tại là thời gian để triển khai Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng ở thực địa.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho biết, đây cũng là cơ hội để Hà Nội tái thiết, chỉnh trang khu vực ngoài đê vốn phát triển rất lộn xộn, nhếch nhác, di dời các khu nhà ở hiện có xây dựng không an toàn và kém chất lượng, ảnh hưởng không gian thoát lũ, là điều kiện để hiện thực hóa chủ trương giãn dân khu vực trung tâm nội đô lịch sử của Thành phố và cải tạo xây dựng lại hàng ngàn chung cư cũ đã xuống cấp tại 4 quận trung tâm Hà Nội.

KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng để thực hiện được mục tiêu trên, cần những cơ chế đặc thù "mở đường" cho "thành phố ven sông".

Đồng quan điểm, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng các cơ chế đặc thù cho Hà Nội cần được cụ thể luật hóa định hướng tại Luật Thủ đô để có thể tạo ra một Hà Nội có không gian xanh, diện tích công trình công cộng như mong muốn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm