Ngày 13-9, tiếp tục phiên họp 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 (kỳ báo cáo từ 1-10-2022 đến 31-7-2023).
Toàn cảnh phiên họp của UBTVQH ngày 13-9. Ảnh: Phạm Thắng
Theo báo cáo của Chính phủ, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, thường xuyên được rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế. Kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ trong 10 tháng qua có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng. Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Chính phủ cho biết từ 8-2-2022 đến ngày 30-4-2023, có hơn 13.000 người đã được xác minh tài sản, thu nhập.
Trong đó, 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Những người này bị kỷ luật bằng các hình thức như xóa tên khỏi danh sách ứng cử, cảnh cáo, cách chức.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, đã có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, có 11 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đã bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 28 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Theo đánh giá của Chính phủ, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở chuyển biến tích cực; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý tăng cao so với năm 2022 (tăng 231 vụ án so với năm 2022); kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận mặc dù thời gian qua đã xử lý nghiêm nhiều cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nhưng vẫn xảy ra sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên một số lĩnh vực.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ chưa nhiều chuyển biến, có ít trường hợp tham nhũng, tiêu cực được phát hiện được qua tự kiểm tra nội bộ.
Công tác thu hồi tài sản tuy tăng mạnh so với những năm trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn; công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ việc, vụ việc còn khó khăn, vướng mắc.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho biết việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn có những hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế .
Theo cơ quan thẩm tra, đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 13.093 người nhưng chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật đối với 54 người do kê khai không trung thực. Trong khi đó, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp và dư luận, cử tri cho thấy tình trạng vi phạm việc kê khai tài sản, thu nhập diễn ra còn nhiều.
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham nhũng vặt", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp (như vụ chuyến bay giải cứu, các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC…), đề nghị các cơ quan hữu quan đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới. |