Theo thông tin từ Báo Phát luật TP HCM, ông Lê Đình Nam, thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai, cho biết đã chuyển hồ sơ vụ quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) ra Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng để xem xét, quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản.
Điều 44 của Luật Phá sản 2014 quy định Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai phải chuyển hồ sơ ra Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng để cơ quan này thành lập tổ thẩm phán cấp cao gồm ba người, có thẩm quyền quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai.Quyết định của Tổ Thẩm phán là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.
Qua đó, nếu quyết định mở thủ tục phá sản thì Toà án cấp cao tại Đà Nẵng sẽ chuyển hồ sơ về cho Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện theo quy định.
Ngày 12/10, Đức Long Gia Lai nhận được quyết định mở thủ tục phá sản ngày 9/10 của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai.
Doanh nghiệp cho biết căn cứ Điều 44 Luật Phá sản năm 2014, Đức Long Gia Lai không chấp nhận quyết định của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai. Đồng thời ngày 13/10, công ty đã có đơn đề nghị xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản gửi Toà án cấp cao tại Đà Nẵng, Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai và Viện Kiểm soát nhân dân tỉnh Gia Lai.
Đức Long Gia Lai nhận định "số nợ của CTCP Lilama 45.3 là rất nhỏ so với tổng tài sản của Đức Long Gia Lai".
"Hiện nay, công ty chúng tôi đang thực hiện việc trả nợ dần cho Lilama 45.3 theo quyết định thi hành án nên Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai ra quyết định mở thủ tục phá sản là không đúng với quy định", trích từ đơn khiếu nại của Đức Long Gia Lai.
Đầu tháng 9, Đức Long Gia Lai giải trình đang gặp khó khăn tài chính tạm thời song khẳng định công ty không bị mất khả năng thanh toán, nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ. Công ty cũng cho hay khoản nợ của Lilama 45.3 rất nhỏ, chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty.
Luật Phá sản năm 2014:
Điều 44. Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
1. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
2. Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị, Tòa án nhân dân đã ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản gửi hồ sơ vụ việc phá sản cho Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp giải quyết.
3. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản kèm theo đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị, Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định Tổ Thẩm phán gồm 3 Thẩm phán xem xét, giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị và gửi hồ sơ vụ việc phá sản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
4. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản do Tòa án nhân dân chuyển đến, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phải trả lại hồ sơ cho Tòa án nhân dân.
5. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản do Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trả lại, Tổ Thẩm phán phải tổ chức phiên họp để xem xét, giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị.
6. Phiên họp của Tổ Thẩm phán có Viện kiểm sát nhân dân tham gia và có Thư ký Tòa án nhân dân ghi biên bản phiên họp. Trong trường hợp cần thiết có thể triệu tập người khác để hỏi thêm về những vấn đề chưa rõ.
7. Tổ Thẩm phán có quyền ra một trong các quyết định sau:
a) Giữ nguyên quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản;
b) Hủy quyết định không mở thủ tục phá sản và giao cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định không mở thủ tục phá sản xem xét ra quyết định mở thủ tục phá sản;
c) Hủy quyết định mở thủ tục phá sản và thông báo cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định mở thủ tục phá sản và những người tham gia thủ tục phá sản.
8. Quyết định của Tổ Thẩm phán là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.
9. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về Quy chế làm việc của Tổ Thẩm phán giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.