Tư chở tôi vượt qua con đường vòng vèo tới vườn rau của anh. Có đoạn vào trước nhà Tư làm tôi liên tưởng đến trò đi xe trên dây ở rạp xiếc vì con đường dẫn vào nhà nhỏ xíu.
Nhà Tư gọi là túp lều thì đúng hơn. Nó nhỏ xíu, lợp bằng lá nằm chơ vơ giữa cánh đồng mênh mông ở Hóc môn. Bên trong có một chiếc giường bằng gỗ, chỗ nấu ăn và nơi đặt laptop.
Ngôi nhà của hai vợ chồng Tư - Đào nằm bên cạnh vườn rau.
Vừa vào đến nhà, một phụ nữ đội chiếc nón lá lụp xụp từ ngoài vườn bước vào. Trẻ nhưng nhìn rất lấm lem. Đó là Đào, người chung lưng đấu cật với Tư suốt 3 năm qua, trong việc xây dựng Ước mơ rau xanh, mang rau sạch tới người tiêu dùng.
2 cử nhân khởi nghiệp rau sạch ở ngoại ô Sài Gòn
Ngày đó, Phạm Thị Đào (quê An Giang), sinh viên ngành Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM vừa xong khóa luận, còn chưa kịp làm lễ ra trường, cùng bạn trai là Phạm Thế Tư (quê Hải Dương), ngành Công nghệ thông tin (IT), Đại học Bách khoa TP HCM về ngoại ô thực hiện ước mơ rau xanh.
Xuất phát từ thực tế thấy rau không an toàn tràn lan trong khi người Việt hoàn toàn có thể trồng được rau sạch, Tư cùng Đào đã cùng nhau thực hiện ước mơ rau xanh. Dự án đến nay đã được 3 năm.
“2 năm trước em làm không đủ trả tiền thuê đất, nợ chồng nợ. Năm nay vẫn chưa có lãi nhưng dễ thở hơn. Vợ chồng em đã đủ chi tiêu sinh hoạt cá nhân”, Tư tâm sự.
Những ngày đầu với đôi bạn trẻ thực sự khó khăn. Vốn ít, vay mượn, rồi đất ô nhiễm nên vợ chồng Tư - Đào phải cải tạo đất.
Hai vợ chồng ngày đêm miệt mài với vườn rau. Gia đình nội ngoại đều ngăn cản vì thấy 2 con ra trường, làm cực quá mà chưa có tiền.
Trong suốt 2 năm đầu, vợ chồng Tư - Đào làm rau hữu cơ, bán tại Phiên Chợ Xanh Tử Tế và bán online cho khách quen. Những khách đã ăn rau của vợ chồng Tư - Đào biết được nguồn gốc, xuất xứ nên ủng hộ hai bạn trẻ.
Ngày ngày, 2 bạn trẻ bắt sâu, nhổ cỏ và đem giao hàng cho khách.
Tuy nhiên, do giá rau hữu cơ đắt, khoảng 50.000 đồng/kg, rất kén khách nên sau đó, vợ chồng Tư - Đào chuyển sang rau sạch, rau an toàn. Nghĩa là, theo chia sẻ của Tư, chỉ bón lót phân hóa học 1 lần, sau đó không dùng thuốc hóa học lần nào nữa mà sử dụng phân vi sinh.
“Em có nói về sự chuyển đổi này với khách hàng và họ chấp nhận. Giá rau sạch giờ rẻ hơn so với rau hữu cơ. Em làm thế nào thì nói luôn với khách hàng để họ biết trước”, Tư kể.
Do không phun thuốc mà chỉ bón lót phân hóa học nên cỏ ở vườn rau của Tư vẫn rất nhiều. Các loại sâu bọ vẫn tấn công. Tư hàng ngày vẫn phải nghiên cứu làm sao để dùng phân vi sinh đúng thời điểm để đạt hiệu quả cao nhất. Theo chia sẻ của Tư, phân vi sinh phải 7-10 ngày mới phát huy tác dụng nên phải chăm sóc và theo dõi rau rất kỹ, nếu không sâu sẽ phá cả vườn rau.
“Em đã khống chế được con “chúa sâu” ở rau cải. Con này kinh khủng lắm, nó lan rất nhanh”, Tư vừa nói vừa chỉ vào luống rau cải xanh.
“Phun thuốc hóa học thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và trước tiên”
Tư cho biết, vợ chồng Tư “nói không” với thuốc sâu vì ảnh hưởng tới môi trường và thứ nữa là người phun sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Bởi vậy, vợ chồng Tư - Đào chỉ phun phân vi sinh.
“Phân vi sinh đắt hơn thuốc sâu cả chục lần nhưng em vẫn dùng. Đấy cũng là một cách để thương hiệu phân vi sinh Việt Nam có thể sống được. Nếu phun thuốc hóa học thì người phun sẽ là người ảnh hưởng đầu tiên”, Tư chia sẻ.
Con đường nhọc nhằn của rau sạch ra chợ
“Mấy hôm nay, em cứ ra ngoài chợ tỉ tê với mấy cô bán rau để thuyết phục các cô bán rau của em. Em nói rằng: Mỗi ngày em gửi cô 10 bịch rau, có ghi thương hiệu Ước mơ rau xanh. Các cô bán được bao nhiêu thì bán, chiều em gom lại mang về mà chưa ai chịu. Họ nói khó bán vì người tiêu dùng không tin đó là rau sạch”, chàng thanh niên người Hải Dương tâm sự.
Giờ mỗi chiều, cứ khoảng 2h, Đào lại đi cắt rau để bán ngay cạnh vườn. “Chiều chiều, phụ huynh đón con đi học về, họ lại ghé mua rau của em. Em mới bán từ sau Tết và giờ mỗi ngày cũng bán được 10 kg. Ai đến thăm vườn, mua rau em sẽ bán với giá rẻ hơn”, Đào hào hứng nói.
Đào kể, có nhiều khách quen, đến vườn, tự hái loại rau họ thích, rồi họ lại giới thiệu cho khách khác.
“Thấy khách hàng vui, có nhiều người còn tỏ lòng biết ơn vì họ mua được rau sạch nên chúng em lấy đó là niềm vui”, Tư nói.
“Cưới nhau hơn 2 năm, bố mẹ hai bên giục sinh con quá trời”
“Nè Tư, sao em dụ được Đào ra giữa cánh đồng này vậy”, tôi hỏi đùa vì thấy cô gái An Giang chịu khó lam lũ, mà chịu sống ở giữa đồng không mông quạnh, điều không phải cô gái trẻ nào cũng chấp nhận.
“Cô ấy theo em í chứ”, Tư vừa nói vừa nháy mắt.
Đào kể, hai bên gia đình đang giục sinh con nhưng giờ còn khó khăn quá, chưa dám sinh con.
“Nhiều lúc nản lắm chị ơi, làm lâu mà không có tiền. Nhưng chồng em quyết tâm nên em cũng quyết tâm theo. Giờ bố mẹ em vẫn thỉnh thoảng nhắc chuyện bỏ rau đi mà đi xin việc làm nhưng giờ bảo sao được nữa”, Đào tâm sự.
Hiện tại, mỗi tuần Tư giao hàng 2 ngày, thứ 3 và thứ 7. “Giờ em đã biết cách bảo quản để rau vẫn tươi khi đến với khách hàng nên đã đỡ hơn nhiều. Không như ngày xưa, nhiều lần, rau bị dập nát”, chàng kỹ sư chia sẻ.
Tư giao hàng còn Đào ở nhà chăm sóc rau, chiều chiều lại bán rau ngay cạnh đường.
Ngoài rau, vợ chồng Tư - Đào còn “liên kết” với mẹ Đào ở An Giang. Ở quê, hễ nhà ai có quả gì lại gọi mẹ Đào đến thu mua và sau đó, bà gửi cho con gái và con rể bán.
Bên cạnh đó, Tư còn hợp tác với các hộ gia đình để bán thịt heo, cá sạch. “Em liên kết với hộ gia đình ở quận 9, họ nuôi heo theo kiểu hộ gia đình”, Tư cho biết.
Tư mong muốn sẽ liên kết với các hộ nông dân bằng cách chuyển giao công nghệ trồng rau sạch và bao tiêu đầu ra.
Những chuyến hàng lên trung tâm thành phố vẫn bon đều hàng tuần, người phụ nữ trẻ An Giang vẫn tần tảo chăm bẵm ước mơ rau xanh hàng ngày nhưng con đường phía trước dường như còn lắm chông gai…