Số liệu mới đây của Bộ Xây dựng chỉ ra, giá bán các dự án bất động sản trong thời gian gần đây đều có xu hướng tăng cao.
Cụ thể, mặt bằng giá trung bình chung cư tại Thủ đô đã đặt ngưỡng 50 - 70 triệu đồng mỗi m2, tăng 38% sau 5 năm. Ngoài dự án đã sử dụng 5 - 10 năm, nhà tập thể cao tầng cũ cũng bị đẩy giá khá cao.
Lãnh đạo Cục Quản lý nhà Bộ Xây dựng cũng thừa nhận một số dự án có tình trạng bị đẩy giá thời gian qua, một phần vì chênh lệch cung - cầu kéo dài nhiều năm. Ba tháng qua, miền Bắc có ba dự án nhà ở hoàn thành ở Hưng Yên, còn Hà Nội không có thêm dự án căn hộ nào.
Chia sẻ tại Talkshow "Xu thế quản lý gia sản tại Việt Nam" diễn ra mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã đưa ra một so sánh về tốc độ tăng giá của các loại tài sản.
Theo đó, từ năm 1990 tới nay, giá vàng ở một số nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam tăng khoảng 30 lần và từ năm 2000 tới nay thì chỉ số VNIndex của Việt Nam chỉ tăng được 12,5 lần (từ 100 điểm lên 1.200 điểm). Trong khi đó, từ năm 1990 tới nay giá bất động sản tại Mỹ và một số nơi như Seoul, Paris mà nhóm chuyên gia khảo sát đã tăng khoảng 100 lần.
Cùng thời gian đó ở Việt Nam, tức là từ năm 1990 tới nay, theo khảo sát mà vị này đưa ra thì giá bất động sản tăng thấp nhất ở những vùng xa xôi là 100 lần và ở Hà Nội, TP HCM là khoảng 400 lần.
Vị chuyên gia này dự báo giá bất động sản Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng do nguồn cung hạn chế, dự án ngày một ít đi. Điều đáng nói là hiện vẫn chưa có cách nào để tháo gỡ được hàng nghìn các dự án đang đắp chiếu nhiều năm ở TP HCM và Hà Nội.
“Tôi nghĩ các dự án chưa thể triển khai tiếp một phần vì lý do chủ đầu tư không có tiền, một phần là do thủ tục pháp lý. Một khi chủ đầu tư không có tiền thì không thể nộp tiền thuế quyền sử dụng đất”, chuyên gia nêu quan điểm.
Ông Nghĩa chia sẻ thêm, nếu so sánh về tốc độ tăng giá của các loại tài sản nói trên thì bất động sản tăng khủng khiếp nhất. Tuy nhiên, so sánh này không hoàn toàn công bằng vì trên thị trường chứng khoán, tốc độ tăng giá luôn luôn được bình quân hóa, sẽ có những cổ phiếu tăng rất nhanh rồi biến mất khỏi thị trường.
Trong một chia sẻ trước đó, vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường bất động sản có tốc độ tăng trưởng nóng nhất, và ngày càng nóng.
Chuyên gia lấy ví dụ thêm, hai dự án mới ở gần Khu đô thị Ciputra Hà Nội hiện đã có giá bán lên tới 280 triệu đồng/m2, Khu Ngoại giao đoàn cũng lên tới 100 – 120 triệu đồng/m2…
Trong khi đó, hiện có hàng nghìn dự án bất động sản đang đắp chiếu, khoảng 60% trong số này là chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, còn lại là khó khăn về thủ tục pháp lý.
Do đó, theo chuyên gia, tài chính cho thị trường bất động sản là một vấn đề rất quan trọng. Những năm gần đây, thị trường có một nguồn vốn mới là trái phiếu doanh nghiệp, nhiều tập đoàn lớn đã huy động vốn qua kênh này nhưng do nhiều nguyên nhân mà hiện nay họ đang gặp khó khăn về thanh khoản.