Thời sự

Chuyên gia: Tăng trưởng đang có dấu hiệu "hụt hơi" theo thời gian, nguy cơ bẫy thu nhập trung bình hiển hiện

Tại cuộc "Toạ đàm đối thoại chính sách: 30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới”, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã đưa ra một câu hỏi lớn Điều gì giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo ông, trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường. Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất và định hướng xuất khẩu trên thế giới, chuyển từ nền kinh tế thu nhập thấp dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, liệu Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, dần bước vào nhóm các nước có thu nhập cao như Hàn Quốc và Đài Loan đã làm được trong thời gian qua.

"Hay chúng ta lại bước theo vết xe đổ của một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia sau một thời gian dài vẫn loay hoay chưa thể thoát ra khỏi mức thu nhập trung bình hoặc rơi vào bẫy thu nhập trung bình là một câu hỏi lớn?", GS.TS Phạm Hồng Chương đặt vấn đề.

"Toạ đàm đối thoại chính sách: 30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới”. (Ảnh: BTC).

Tăng trưởng có dấu hiệu "hụt hơi"

Để quá trình phát triển không bị dừng ở ngưỡng thu nhập trung bình, các chuyên gia tại hội thảo nhận định ngay từ bây giờ Việt Nam cần có những định hướng chiến lược, những hành động cụ thể để duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh một cách bền vững và trở thành nước có thu nhập cao trong tương lai.

Phân tích về thành quả đạt được của Việt Nam trong 30 năm qua, GS.TS Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định Việt Nam đã đạt được 2/3 “cửa ải" lớn.

Thứ nhất là, đảm bảo được an ninh lương thực và thứ hai là vượt qua được mức thu nhập trung bình thấp, xây dựng được nền tảng cho một nước công nghiệp. Còn lại, mục tiêu thách thức thứ ba chưa vượt qua được là trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Quá trình phát triển của Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập khi tăng trưởng đang có dấu hiệu “hụt hơi” theo thời gian. Biên độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm và chưa đủ mạnh để tạo ra những đột phá trong thực hiện tiến bộ xã hội.

Chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm dần (hiệu quả đầu tư, năng suất lao động), nhất là những năm gần đây và ở mức khá thấp so với các nước từng ở cùng thời kỳ như Việt Nam (Hàn Quốc, Nhật Bản…), làm giảm khả năng gia tăng thu nhập của nền kinh tế.

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, trong đó ông Ngô Thắng Lợi nhấn mạnh lý do mô hình phát triển theo hướng dàn đều, vừa không phát huy được động lực của vùng trọng điểm, vừa chưa phát triển được vùng còn yếu kém.

“Các vùng động lực chưa đủ đòn bẩy để phát triển đột phá. Vùng chậm phát triển lại đang bế quan tỏa cảng so với các vùng khác”, GS.TS Ngô Thắng Lợi nhận xét.  

Vì vậy, GS. TS Ngô Thắng Lợi nhận định cần phải ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng nhanh cho vùng động lực, đồng thời xây dựng chính sách kết nối vùng động lực với các vùng khác, đặc biệt là các vùng chậm phát triển để họ trực tiếp tham gia quá trình tạo thu nhập.

Đối với doanh nghiệp, ông cũng đề xuất phải tạo ra sân chơi bình đẳng cho cả ba loại hình doanh nghiệp, chú trọng hơn nữa chính sách cho khu vực tư nhân, đề cao vai trò của các “sếu đầu đàn”.

Còn theo GS Trần Văn Thọ, Đại học Weseda Nhật Bản chính là cần tăng liên tục năng suất lao động. Cả tích lũy tư bản và cách tân công nghệ đều quan trọng trong quá trình chuyển từ một nước phát triển trung bình lên vị trí của nước thu nhập cao. 

Trong thập niên tới, Việt Nam mở rộng công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cải cách thể chế để phân bổ hiệu suất các nguồn lực là các yếu tố tăng năng suất cho Việt Nam. Đồng thời cần chuẩn bị thời đại tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo cho thập niên 2030 và xa hơn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm