Những con số tăng trưởng của nền kinh tế trong quý 1 đã dần hiện rõ. Nhiều chỉ số kinh tế quan trọng như chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu…đã ghi nhận mức tăng đáng kể sau khi trở lại bình thường mới. Bên cạnh đó là hàng loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đã và đang tiếp tục được đưa ra.
Tại Talkshow Phố tài chính trên VTV8, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đã đưa ra những dự báo về tăng trưởng kinh tế cũng như những nhóm ngành thích hợp đầu tư vào lúc này.
Theo ông Ngô Thế Hiển, số liệu kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm của Việt Nam khá tích cực. Điển hình như chỉ số PMI cao hơn con số của cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó tổng mức bán lẻ tăng 1,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn chịu một số tác động từ đợt dịch Covid 19. Điển hình, về sản xuất công nghiệp là yếu tố đóng góp quan trọng trong GDP nhưng trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 5,4%, trong khi cùng kỳ năm 2021 tăng 7,4%. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam trong 2 tháng chỉ đạt hơn 630 triệu USD, trong khi đó cùng kỳ năm 2021 đạt hơn 3 tỷ USD. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư của Việt Nam trong hai tháng đầu năm chỉ đạt 8,8%.
Ông Hiển đánh giá tổng quan kinh tế vĩ mô có một số tín hiệu tích cực, tuy nhiên cũng có một số dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19. Nếu kết thúc tháng 3 tình hình không được cải thiện thì mức tăng trưởng GDP như quý 1/2021 là 4,48% sẽ tương đối khó khăn.
Đầu tư cổ phiếu ra sao trong quý 2?
Về diễn biến thị trường, ông Hiển cho biết hiện tại nhà đầu tư đang thận trọng hơn bởi nhiều yếu tố khó lường giữa Ukraine và Nga cũng như diễn biến giá dầu, giá nguyên vật liệu, lạm phát ở Mỹ và châu Âu. Trong dài hạn, nếu những yếu tố trên giảm đi cùng với nền kinh tế của bước sang quý 2 sẽ tăng trưởng tốt hơn so với quý 1 là yếu tố sẽ giúp thị trường cải thiện trở lại. Chuyên gia SHS kỳ vọng dòng tiền sẽ bắt đầu khởi sắc vào cuối quý 2 vì giai đoạn đấy các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư công được hoàn thành và bắt đầu triển khai.
Về đầu tư công, Chính phủ đã triển khai nghị quyết về gói hỗ trợ toàn bộ nền kinh tế quy mô gần 350.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 113.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách dùng để phát triển các kết cấu hạ tầng.
Ông Hiển cho rằng các nhóm cổ phiếu có liên quan đến các gói hỗ trợ này sẽ được hưởng lợi. Trên thị trường ngoài các cổ phiếu ngành thép đã có sự tăng trưởng tốt nhờ các tin tức hỗ trợ giá nguyên liệu cũng như giá thép thế giới tăng thì cũng có một số ngành khác được hưởng lợi từ gói hỗ trợ đầu tư công như nguyên vật liệu bao gồm ngành đá, ngành xi măng, nhựa đường hay các doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các hoạt động xây lắp. Tuy nhiên mức độ tăng giá chưa nhiều, vì vậy có thể kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ gói hỗ trợ khi các gói đầu tư công được triển khai mạnh mẽ hơn trong quý 2 và quý 3.
Ngoài ra các doanh nghiệp thuộc một số ngành như dầu khí, phân bón vẫn có thể ghi nhận những kết quả tích cực trong những tháng tiếp theo. Như tập đoàn PVN mới công bố thông tin, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả rất tích cực. Trong đó có các doanh nghiệp chỉ trong 2 tháng đã vượt kế hoạch của cả năm 2022, nếu giá dầu còn tiếp tục duy trì ở mức cao thì kết quả của các doanh nghiệp này sẽ vẫn tích cực. Bên cạnh đó, một số nhóm ngành như ngành ngân hàng, thời gian vừa qua rất nhiều mã trong nhóm ngành này đã giảm gần vùng đáy của năm 2022. Trong thời gian tới kỳ vọng nhóm ngành ngân hàng cũng sẽ là nhóm ngành được hưởng lợi, nhà đầu tư cũng có thể quan tâm tới nhóm ngành này.
Với nhóm Bất động sản, chuyên gia SHS cho biết sẽ có một số yếu tố tác động đến triển vọng của nhóm ngành bất động sản. Quá trình đô thị hóa cao dẫn đến nhu cầu về nhà ở là luôn có. Đặc biệt khi chúng ta đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng như cầu, đường, các đường cao tốc sẽ kéo theo nhu cầu về nhà ở ở các dự án xung quanh các dự án về hạ tầng.
Còn đối với bất động sản về du lịch, sắp tới đây sẽ mở cửa toàn bộ đối với khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3, đây sẽ là thông tin tốt hỗ trợ mảng bất động sản khu công nghiệp mặc dù vốn đầu tư đăng ký mới của doanh nghiệp FDI vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên doanh nghiệp FDI hiện tại đang hoạt động ở Việt Nam lại tăng quy mô đầu tư của họ. Cụ thể vốn điều chỉnh của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là 3,6 tỷ USD, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở Việt Nam các chi phí đầu tư cũng như chi phí thuê đất, chi phí nhân công nhìn chung khá hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Còn về các mã cổ phiếu trong ngành này sau giai đoạn tăng mạnh đã điều chỉnh giảm trở lại.
Theo ông Hiển, khi đầu tư nên quan tâm nhiều đến hai yếu tố: Thứ nhất là họ có uy tín về đầu ngành, Thứ hai là các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn và đặc biệt là các dự án có thể mở bán ngay khi nền kinh tế phục hồi.
Trong khi đó các doanh nghiệp không có yếu tố trên lại ở vùng giá quá cao thì nhà đầu tư cần rất cân nhắc và đánh giá về mức độ rủi ro. Ông Hiển cho rằng ở những vùng giá như hiện tại, sau một thời gian giảm mạnh thì dòng tiền sẽ sớm đầu tư trở lại vào các nhóm cổ phiếu mang tính chất đầu ngành thuộc nhóm ngành bất động sản như là Vinhomes, Novaland, Khang Điền.