Chùa Tây Phương (làng Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) cách trung tâm Hà Nội 40 km về hướng Tây Bắc là nơi quy tụ những kiệt tác điêu khắc Phật giáo Việt Nam thế kỷ 18. Tại chùa có 64 pho tượng, đặc biệt là bộ tượng 18 vị La Hán được chạm khắc từ thời Tây Sơn cách đây hơn 200 năm.
Chùa Tây Phương có 3 tòa xếp thành hình chữ tam, gồm chùa Thượng, Trung, Hạ.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, nhiều hạng mục của chùa bị mối mọt, một phần mái ngói của chùa Hạ đã xô lệch, cứ sau mỗi trận mưa là bị thấm dột.
Chùa nổi tiếng không chỉ ở sự cổ kính qua truyền thuyết và lịch sử, nó còn nổi tiếng ở cảnh quan bởi tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lâu giữa vùng đồng bằng màu mỡ, với núi, non, sông, nước gắn liền với quan niệm phong thủy phương Đông.
Đây là một công trình kiến trúc độc đáo vào hạng nhất trong các ngôi chùa ở Việt Nam với sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống và không gian sinh cảnh tự nhiên, do đó, giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật của nó, cùng với bộ tượng Phật trong chùa, xứng đáng để Tây Phương là “đệ nhất cổ tự”. Năm 2014, Chính phủ đã công nhận ngôi chùa này là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật.
Ni sư Thích Đàm Thuỷ - Trụ trì chùa Tây Phương cho biết, các pho tượng cổ của chùa đang bị xâm hại nặng bởi thời tiết và nhiều nguyên nhân khác. Hiện chân đế một số bức tượng đã bong gãy phần gỗ, bị mối đục loang lổ; trên gương mặt và phần thân của nhiều tượng cổ đã bong tróc lớp sơn son...
Ghi nhận của PV trong chiều 14/3, hàng chục pho tượng cổ trong chùa đã bị bong tróc lớp sơn son.
VIDEO: Cận cảnh ngôi chùa cổ nhất Hà Nội, dự kiến đại tu với 150 tỉ đồng
Bộ tượng 18 vị La Hán được nhà thơ Huy Cận đã mô tả trong bài thơ “Các Vị La Hán Chùa Tây Phương”. Bài thơ đó đã ra đời cách đây hơn 60 năm (1960) và đã được giảng dạy cho học sinh bậc phổ thông.
Tại khu vực chùa Thượng và chùa Trung đang được đặt hộp nhử mối, thậm chí tại một số chân cột gỗ của chùa đã được khoan lỗ đặt thuốc diệt mối nhưng chưa hiệu quả. Ông Cấn Việt Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao huyện Thạch Thất cho biết, chùa Tây Phương đang có dấu hiệu xuống cấp và huyện đã có kế hoạch văn bản trình TP Hà Nội để xin phương án tu bổ.
Lớp gạch đá ong phủ rêu xanh theo thời gian.
Theo ông Cấn Việt Hùng, hiện nay thành phố đã giao cho Sở Văn hoá và Thể thao phối hợp với huyện Thạch Thất để lên phương án tu bổ tổng thể, với nguồn kinh phí dự kiến là 150 tỷ đồng.
Phần chân một số cột gỗ trong chùa bị mối mọt nếu không khắc phục nhanh có thể gây hư hại nặng.