Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, Giám đốc phân tích, CTCP Chứng khoán Nhất Việt, ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong khi hạn mức tín dụng được cấp không cao như kỳ vọng, tức chi phí đầu vào có dấu hiệu tăng lên, chi phí đầu ra bị siết lại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của ngành ngân hàng trong quý IV.
Trong ngắn hạn, chuyên gia đánh giá đây không phải là dấu hiệu tích cực cho thị trường, đặc biệt khi dòng cổ phiếu ngân hàng đang có xu hướng yếu đi.
Chẳng hạn, cổ phiếu đầu ngành như VCB, mức độ “tổn thương” trong thời gian qua là tương đối lớn. Trong một tuần qua, cổ phiếu VCB đã giảm rất mạnh và nhịp phục hồi cũng khá yếu. Xu hướng này cũng diễn ra tương tự với một cổ phiếu ngân hàng khác như BID.
Trong 6 tháng đầu năm, ông Hoàng cho biết toàn ngành ngân hàng chỉ mới hoàn thành 51% lợi nhuận. Con số lợi nhuận trong nửa năm còn lại phụ thuộc rất nhiều vào việc nới room, tuy nhiên room tín dụng nới ra lại không được như kỳ vọng.
Hơn nữa, chi phí đầu vào tăng sẽ tác động lên NIM của ngân hàng, điều này đặt ra câu hỏi "Liệu ngân hàng có gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cuối năm?"
Đồng quan điểm,ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt, cho rằng con số tín dụng được cấp thêm chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của thị trường, trong khi tín dụng lại là một trong những nguồn tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng.
"Nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh rất tốt trong 6 tháng đầu năm (MB, VCB,..) do các nhà băng này đẩy tín dụng lên phía trước. Phần dư địa còn khoảng 3% có thể khiến tăng trưởng lợi nhuận không còn như đầu năm.
Thị trường và nhóm ngân hàng đã có một giai đoạn hồi phục, nhiều cổ phiếu đã hồi phục rất tốt như VCB, BID, STB, MBB,… Tuy nhiên để kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng quay trở lại đỉnh cũ của tháng 4 thì rất khó vì lúc đó định giá của thị trường khá cao," ông Du nhận định.
Talkshow “Cơ hội dòng tiền đến sau”, Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS), ông Hoàng Công Tuấn cho rằng phản ứng của cổ phiếu ngân hàng trong một tháng vừa rồi khá mạnh trước thông tin room tín dụng có thể được nới lên tới 16%. Tuy nhiên, con số này hơi quá kỳ vọng.
Thực tế, mặt bằng lãi suất của kinh tế thế giới sẽ còn tiếp tục tăng, dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam là khá ổn, nhưng chúng ta cũng không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. Yếu tố này sẽ tác động đến tiền đồng. Và nếu NHNN cho phép bung tín dụng ra quá nhiều sẽ gây áp lực cho cuộc đua lãi suất, rất không tốt cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế
Do đó, NHNN chọn giải pháp là kiềm chế mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại, song cũng giảm bớt triển vọng lợi nhuận của khối ngân hàng.
Ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư không nên bi quan về cổ phiếu ngân hàng, nhưng cũng không nên quá lạc quan. Trong 9 tháng đầu năm, các ngân hàng đã bung tín dụng quá nhiều. Một ngân hàng được kỳ vọng được cấp tín dụng nhiều như Vietcombank cũng chỉ được cấp 2,7%.
Có thể thấy NHNN đang rất thận trọng và cũng chưa phát hết room tín dụng, Kinh tế trưởng MBS cho rằng nhà điều hành sẽ để dành thêm một chút nữa vào cuối năm khi nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao.