Phát biểu tại "Hội thảo Kinh tế vĩ mô 2023 và những thay đổi về chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng" diễn ra sáng 9/12, PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức hai con số song không mang quá nhiều ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi một phần trong đó là do các doanh nghiệp đảo nợ.
Theo ông, nhu cầu tín dụng tăng chậm ở hầu hết các ngành cách khá xa so với mục tiêu 14% cả năm. Dù vậy, tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu là phù hợp với tăng trưởng GDP bởi mục tiêu đầu năm đề ra là tăng trưởng GDP 6,5% thì tăng trưởng tín dụng cũng phải tương ứng ở khoảng 14%.
Đến nay, khả năng tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu chỉ khoảng 5% thì tăng trưởng tín dụng cũng phải thấp theo chỉ khoảng khoảng 10-11% là phù hợp.
Tính đến hết tháng 11/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 9,51% và nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số cả năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng này không mang quá nhiều ý nghĩa đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi một phần trong đó là do các doanh nghiệp đảo nợ.
"Tăng trưởng tín dụng sắp đạt hai con số chủ yếu do doanh nghiệp đảo nợ. Trong năm nay, doanh nghiệp đua nhau tất toán trái phiếu trước hạn, ngoài đảo nợ để mua lại trái phiếu doanh còn có tình trạng đảo nợ tín dụng của chính các doanh nghiệp", ông nói.
Nhìn vào tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2023, có thể thấy mức tăng vào lĩnh vực bất động sản rất lớn, Techcombank tăng 47%, tỷ trọng 34,63%; VPBank tăng 52,7%, chiếm tỷ trọng 17,5%, MB tăng 61%, tỷ trọng 6,44%; SHB tăng hơn 100%, tỷ trọng 16,08%...
Vì vậy, tín dụng có tăng trưởng hai con số cũng không đóng góp quá nhiều vào tăng trưởng GDP vì một phần đã phục vụ nhu cầu đảo nợ của doanh nghiệp.
Với vấn đề lãi suất, vị chuyên gia này đánh giá, lãi suất chính sách khó giảm thêm do một số yếu tố như: Lạm phát tổng thể đảo chiều, giới hạn về lãi suất thực dương hay lãi suất thế giới tiếp tục neo ở mức cao hay các mục tiêu ổn định tỷ giá
"Một quốc gia đang phát triển với những rủi ro cao hơn các nước phát triển mà lại có lãi suất thấp hơn thì là điều phi lý", ông nói. Vì vậy, lãi suất sẽ không thể giảm tiếp, thấp hơn Mỹ và các nước châu Âu vì sẽ gây ra tác động khiến dòng vốn rời khỏi Việt Nam", chuyên gia phân tích.
Ngược lại, lãi suất chính sách cũng khó tăng do lạm phát cơ bản giảm dù chậm, lạm phát tổng thể vẫn nằm trong vòng kiểm soát 3,5% - 4%, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP vẫn còn cách xa mục tiêu.
Bất kể điều gì diễn ra trong vài tháng tới khiến lãi suất không thể tăng cao bởi chính sách tiền tệ vẫn đang hướng tới mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng khi sức cầu trong nước còn rất yếu, ông phân tích.
Vì vậy, việc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là duy trì nền lãi suất thấp, điều tiết ổn định tỷ giá khi cần. Lãi suất chính sách hiện không có dư địa giảm, bối cảnh lãi suất huy động đã tới đáy chỉ còn lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm.
Việc giảm lãi suất cho vay hiện nằm trong tay các ngân hàng thương mại nhưng họ cũng có những khó khăn nhất định. Lãi suất huy động trong giai đoạn trước cao nên các ngân hàng không thể lập tức hạ lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng còn phải đối diện với rủi ro về nợ xấu.
Ông Thế Anh nhấn mạnh Việt Nam vẫn có những rủi ro về tiền tệ và lãi suất khi tỷ lệ tín dụng và M2/GDP cao lần lượt là 1,25 và 1,5 lần, rất cao hơn so với khu vực.
Mặc dù từ cú sốc tại hệ thống tài chính xảy ra vào tháng 10, hai chỉ tiêu này xuống thấp nhưng tổng quan chung vẫn cao. Bên cạnh đó còn có những bất ổn về tỷ giá khiến chính sách tiền tệ ít hiệu quả kích thích đầu tư khi doanh nghiệp bi quan và sức cầu yếu.
Điều này khiến giá cả tiêu dùng tăng, vài năm xảy ra một cơn sốt bất động sản, doanh nghiệp và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp sau khi phát triển một thời gian bị ngưng trệ.