Chiều 25.4, ông Nguyễn Vinh Thư, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật quan trắc khí tượng thủy văn, Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đã giải thích chi tiết về thông tin "23.000 tia sét đánh xuống miền Bắc Việt Nam" trong sáng 25.4.

Miền Bắc đang vào thời điểm giao mùa nên giông sét xuất hiện nhiều hơn các thời điểm khác trong năm
ẢNH: T.N
Theo ông Nguyễn Vinh Thư, thông tin số lượng các tia sét và bản đồ định vị giông sét đang được cung cấp thời gian thực trên trang: www.hymetnet.gov.vn. Đây là nguồn số liệu được lắp đặt dựa trên hệ thống đo đạc gồm 18 trạm đo trên toàn quốc.
Ở mỗi trạm đo này, số lượng các tia sét được quét trong bán kính từ 400 - 600 km. Trong phạm vi quét nói trên, các tia sét thống kê trong một vùng rộng lớn không chỉ mỗi ở Việt Nam.
"Con số hơn 23.000 cú sét đánh ở miền Bắc trong sáng 25.4, thực chất đây là những tia phóng điện đã đo được trên một vùng rộng lớn, bao gồm cả: Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần trên Biển Đông", ông Thư nói.
Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật quan trắc khí tượng thủy văn, số lượng tia sét được thiết bị quan trắc ghi nhận bao gồm cả số tia sét đánh giữa các đám mây và từ đám mây xuống đất. Số lượng tia sét đánh xuống đất chưa tới 50% trong số 23.000 tia sét được thống kê. Trên thực tế, số lượng sấm sét mà người dân miền Bắc cảm nhận được sẽ ít hơn rất nhiều.
Ông Thư cũng khẳng định: "Sét không phải là một thực thể trên mặt đất mà nó di chuyển theo những đám mây với tốc độ rất khác nhau. Chính vì vậy, không thể kiểm đếm số lượng tia sét theo địa giới hành chính một cách thông thường được".
Việt Nam nằm trong vùng tâm giông của châu Á
Thông tin quan trắc của Trung tâm Kỹ thuật quan trắc khí tượng thủy văn, sáng 25.4, khu vực TP.Hà Nội, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, ghi nhận xuất hiện nhiều tia sét.
Giải thích vì sao miền Bắc ghi nhận nhiều tia sét trong khoảng thời gian ngắn, ông Nguyễn Vinh Thư dẫn thống kê khoa học đã được công bố 70% số sét trên toàn cầu xảy ra ở vùng nhiệt đới. Trong đó, Việt Nam lại nằm trong vùng tâm giông của châu Á.
Ngoài ra, thời tiết các tỉnh miền Bắc đang vào thời điểm giao mùa, có sự xung đột giữa khối không khí lạnh và không khí nóng nên nguy cơ xảy ra giông sét cao hơn các thời điểm khác trong năm. Đặc biệt, sét là loại hình thiên tai nguy hiểm, có yếu tố bất ngờ, chỉ một cú sét đánh cũng có thể gây thiệt hại tới sinh mạng, tài sản.
"Trung tâm Kỹ thuật quan trắc khí tượng thủy văn đang cung cấp các bản đồ hiển thị giông sét một cách trực quan để cộng đồng tham khảo, chủ động đề phòng khi thấy vùng giông sét tới gần địa phương mình. Người dân chủ động, tập trung nâng cao vận dụng những quy tắc phòng tránh sét đánh để giảm thiểu thiệt hại", ông Thư khuyến cáo.