Chứng khoán

Chuyên gia nói gì trước nguy cơ đảo chiều của dòng vốn ngoại sau tháng mua ròng kỷ lục?

Ước tính từ vùng đáy 873, VN-Index đã có nhịp hồi phục lên mức cao nhất 1.093,67 điểm trong phiên 5/12, trước khi điều chỉnh về vùng điểm 1.023 như hiện tại. Mặc dù chỉ số tăng khoảng 25% nhưng có rất nhiều cổ phiếu đã tăng 50 - 70% thậm chí cả 100%.

Thống kê một số lần mua ròng đáng chú ý trong lịch sử của khối ngoại, có thể thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài rất hay xuất hiện khi thị trường giảm về vùng giá hấp dẫn. Thực tế cũng cho thấy dòng vốn nước ngoài giữ một vai trò quan trọng trong việc đưa thị trường “vui trở lại” trong thời gian qua.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research. (Ảnh: SSI Research).

Chia sẻ tại Talkshow Chọn danh mục với chủ đề “Nhận diện biến số 2023” do Báo Đầu tư tổ chức, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng thông thường thị trường chứng khoán sẽ đi trước những chuyển động của vĩ mô. Một mình chứng rất rõ ngay trong tháng 10 và 11, dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam bao gồm cả các ETF, các quỹ chủ động đạt mức vào ròng khoảng 490 triệu USD.

Đây là sự đảo chiều vô cùng tích cực nếu nhìn lại nhiều năm trước đây, có một khoảng thời gian dài rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc định giá đã sụt giảm rất mạnh phản ánh khá nhiều những rủi ro trong năm nay và kể cả trong thời gian sắp tới, chính vì vậy đã kích hoạt dòng vốn nước ngoài quay trở lại Việt Nam.

“Tôi nghĩ đó là một điểm vô cùng tích cực và chúng ta có thể tiếp tục theo dõi yếu tố này. Mặc dù nó có thể không đều, không liên tục nhưng sẽ có những thời điểm quan trọng tạo ra cú hích cho thị trường Việt Nam”, bà Phương khẳng định.

 Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư của Công ty Quản lý quỹ VinaCapital. 

Lý giải về động thái mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư của Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho biết yếu tố dòng vốn nước ngoài quay trở lại Việt Nam cũng được hỗ trợ bởi yếu tố kinh tế vĩ mô và tiền tệ ở thế giới.

"Chúng ta thấy rằng khi đồng USD thông qua chỉ số DXY so sánh tương quan với giá trị các đồng tiền khác cũng đã giảm từ đỉnh là 114 xuống còn 104.

Thêm nữa động thái Mỹ giảm mức độ tăng lãi suất sẽ làm chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác hẹp đi. Như vậy khi đồng USD không còn dư địa tăng giá mạnh, từ đó sẽ hướng dòng tiền từ Mỹ qua các nước khác, qua các thị trường khác, trong đó có Việt Nam như chúng ta đã thấy trong thời gian vừa qua".

Trong thời gian qua, động thái mua ròng kỷ lục của khối ngoại đã đóng góp không nhỏ trong việc củng cố tâm lý của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu vốn nước ngoài vào ồ ạt trong tháng 11 thì đến tháng 12 có đảo chiều hay không? 

Về vấn đề này, bà Hoàng Việt Phương cho biết dòng vốn ngoại thông thường được chia thành hai nhóm là nhóm quỹ chủ động và nhóm ETF đầu tư thụ động. Với nhóm quỹ đầu tư chủ động, thường họ sẽ tập trung vào việc chọn cổ phiếu. Đối với các quỹ ETF vì là nhóm bị động nên họ sẽ phân bổ danh mục theo rổ cổ phiếu đã được định sẵn từ trước và cách phân bổ của họ khá nhanh.

Sự khác biệt giữa hai loại hình này là các quỹ chủ động thì thường có thời hạn đầu tư khá dài và nhìn vào câu chuyện triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn. Còn ETF thì lại có thời hạn đầu tư tương đối ngắn hơn và việc rút ra đảo chiều có thể xảy ra khá nhanh.

“Dù vậy, trong thời gian gần đây chúng tôi cũng không quan sát thấy việc đảo chiều sẽ diễn ra quá bất ngờ, nhất là trong thời điểm thị trường Việt Nam đang ở mức định giá thấp như vậy thì chúng ta cũng sẽ không kỳ vọng có sự đảo chiều quá nhanh sau khi vừa có một dòng vốn đầu tư mạnh mẽ vừa giải ngân”, bà Phương cho hay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm