Bình luận về chính sách tiền tệ và những động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung thế giới, Việt Nam vẫn có “cửa hẹp” trong năm nay để có thể đổi chiều chính sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam khi các điều kiện bên ngoài cho phép.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành dự báo, tăng trưởng quý I/2023 sẽ kém tích cực và quý II vẫn tiếp tục khó khăn song "khe cửa hẹp” để Việt Nam có thể đổi chiều chính sách rơi vào giữa năm 2023. Nguyên nhân là do Fed được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất, và có thể tăng ba lần nữa.
"Chúng ta cùng nín thở chờ Mỹ công bố số liệu lạm phát vào hai ngày nữa. Nếu tháng 11, lạm phát của Mỹ là 7,1% thì tháng 12, các chuyên gia đang dự báo rằng, lạm phát có thể sẽ giảm xuống 6,6-6,5%. Nếu điều này là sự thật, có khả năng, Fedchỉ tăng 0,25 điểm %, thay vì 0,5 điểm % trong đợt tăng lãi suất tháng 2/2023", ông Thành phân tích.
Còn hai lần tăng lãi suất nữa là vào tháng 3 và tháng 5. Thời điểm đầu tháng 5 khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó lãi suất sẽ duy trì ở mức đỉnh 5-5,25% cho đến cuối năm 2023.
"Chúng ta hay nói ổn định vĩ mô nhưng ổn định vĩ mô như thế nào khi mà lãi suất thực hiện nay rất cao. Nếu duy trì mức này cả năm sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp, vì vậy "khe cửa hẹp" vào tháng 5 là cơ hội để giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp do áp lực tỷ giá qua đi. Đây cũng là thời điểm để thay đổi chính sách, ổn định vĩ mô, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Theo ông Thành, tác động thứ hai để Việt Nam điều chỉnh chính sách nhìn từ nước ngoài là Trung Quốc, kỳ vọng vào cơn gió xuôi khi quốc gia này mở cửa.
“Năm 2021 khi Việt Nam mở cửa sau đại dịch COVID-19, chúng ta gặp sự hỗn loạn ban đầu, chính sách có thử và sai. Do đó, quý I/2023 ở Trung Quốc có thể rơi vào hỗn loạn nhưng khoảng tháng 4 và tháng 5, Trung Quốc sẽ tự tin hơn vào chính sách mở cửa, tạo cú hích về khôi phục tổng cầu nội địa, tạo cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam sang Trung Quốc và du lịch của Trung Quốc vào Việt Nam”, ông Thành dự báo.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, ngay cả dưới tác động mạnh mẽ của Hoa Kỳ và Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn cần nhấn mạnh tính chủ động.
“Chúng ta không thể đợi một cách thụ động, cần đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng dân cư trong nước để bù đắp cho suy giảm xuất khẩu. Đồng thời, cần đẩy mạnh giải ngân vốn FDI đi cùng với giải ngân đầu tư công thì mới có bức tranh sáng”, ông Thành nhấn mạnh thêm.
Chính sách tiền tệ phải chủ động để có khả năng chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ mặt bằng lãi suất. Vượt qua thách thức, chịu đựng "đau thương" trong quý I và quý II.
"Nhưng ngay cả trong giai đoạn khó khăn này vẫn phải đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, đến khi nào Fed dừng tăng lãi suất, hết áp lực tỷ giá thì chúng ta phải mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ từ giữa năm 2023", vị chuyên gia nhìn nhận.
Về mặt tài khoá, theo ông Thành cần rút kinh nghiệm từ năm 2022, những chính sách nào thiết kế tốt nhưng đòi hỏi điều kiện, thực thi khó khăn thì sẽ không mang lại hiệu quả, những chính sách tài khoá mang tính tự động không cần thêm một bộ máy thực thi sẽ áp dụng.
Đơn cử như miễn giảm thuế là tự động, không cần thêm bất cứ quy trình, điều kiện gì doanh nghiệp và người dân cũng được hưởng lợi. Những chính sách như vậy giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đầu tư của doanh nghiệp.
Để kết nối giữa tài khoá và tiền tệ, ổn định vĩ mô cần ưu tiên ổn định hệ thống ngân hàng. Với những khó khăn của thị trường vốn trong đó có doanh nghiệp trái phiếu doanh nghiệp, cần áp dụng biện pháp thị trường nhiều hơn, để doanh nghiệp tự giải quyết chứ không nên đẩy sang hệ thống ngân hàng.
"Kinh nghiệm 13 năm trước đây, nếu ngân hàng khó khăn thì chúng ta sẽ mất từ 3-5 năm để phục hồi", ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.