Bàn luận về việc sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm”, TS. Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, Nghị định 153 sửa đổi cần phải đặt vấn đề bảo vệ nhà đầu tư lên trên hết. Các doanh nghiệp phát hành thì phải có tài sản đảm bảo, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, nếu như nhà đầu tư chịu chơi với những loại tài sản không có tài sản không đảm bảo thì phải chấp nhận rủi ro.
Thị trường luôn luôn tiềm ẩn rủi ro
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một mảnh ghép phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là thị trường này đang tăng trưởng rất mạnh.
Trong giai đoạn 2017-2021 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 24%, và đến 2021 là 56%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường là vô cùng lớn, thể hiện nhu cầu lớn của cả người phát hành và người mua đều rất lớn.
"Tuy nhiên, cái gì mới ra mà lớn nhanh quá thì lại phải thận trọng, giống như khi mới tập đi mà đã đi quá nhanh thì hay bị ngã, đôi khi ngã rất đau. Vừa rồi xảy ra một số vụ việc tại thị trường trái phiếu, tuy nhiên, cách xử lý không gây ra sự xáo động quá lớn với thị trường.
"Tôi rất ấn tượng với câu nói của Thủ tướng trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng nói rủi ro và khủng hoảng là cái đương nhiên của thị trường. Điều này có nghĩa bất kỳ thị trường nào cũng có rủi ro", ông Tú Anh nói.
Điều quan trọng theo ông Tú Anh là khi tham gia thị trường đều có niềm tin, luật chơi ở đây là nếu người ta làm sai thì phải trả giá, bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin.
Thông thường, chúng ta có 2 cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là chúng ta xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như thế đúng là ít rủi ro nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro.
Cách tiếp cận thứ hai là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro. Do mỗi nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau về rủi ro nên có những nhu cầu khác nhau, nên cần có các công cụ khác nhau.
Nhiều người nói phải xây dựng các cơ quan xếp hạng tín nhiệm để lấy niềm tin, vậy niềm tin đơn vị xếp hạng lấy ở đâu ra?
Do đó, công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro, theo đó, chúng ta xây dựng những định chế đảm bảo, rằng rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn. Theo đó, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, ông Tú Anh cho biết.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, vừa qua, báo chí nói nhiều đến một thị trường TPDN 3 không: Không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh phát hành.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cái không tài sản đảm bảo chính là một đặc điểm quan trọng của thị trường TPDN, bởi nếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì họ đã đi vay ngân hàng.
Quan trọng nhất của TPDN là phải dựa trên xếp hạng tín nhiệm, kể cả doanh nghiệp bị xếp hạng thấp thì họ vẫn được quyền phát hành. Vấn đề là nhà đầu tư có mua không và mua với lãi suất bao nhiêu, khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư là khác nhau.
"Tôi cho rằng, điều quan trọng là chúng ta cần phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm một cách trung thực, khách quan", TS. Vũ Đình Ánh nói.
Chưa có Nghị định 153, rất khó cho doanh nghiệp phát hành
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết cho rằng, nếu chưa có Nghị định 153 sửa đổi thì rất khó để Ủy ban Chứng khoán phê duyệt thêm một đợt phát hành nào vì chưa có cơ sở pháp lý, bởi đang trong giai đoạn “tranh tối tranh sáng” vì sửa luật, nên không ai dám đứng ra chịu trách nhiệm chấp thuận cho phát hành thêm theo luật cũ.
Đây là một yếu tố khách quan của thị trường và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu. Sắp tới, cơ quan quản lý có xu hướng thắt chặt các điều kiện phát hành TPDN, đây là một thực tế và sắp tới sẽ áp dụng.
Mặc dù vậy, thì kể cả thắt chặt các điều kiện phát hành vẫn tốt cho doanh nghiệp hơn việc vướng mắc vì chờ sửa luật. Sau khi có Nghị định 153 sửa đổi, cứ doanh nghiệp nào đủ điều kiện phát hành TPDN thì dĩ nhiên sẽ phát hành được, ông Ngọc nhìn nhận.
Đồng thời, để bảo vệ nhà đầu tư, tránh các doanh nghiệp phát hành TPDN một cách bất thường có nguy cơ mất khả năng thanh toán thì đứng dưới góc độ của cơ quan quản lý, việc thắt chặt quy định là hợp lý.
Tuy nhiên, từ góc độ người trong cuộc, ông Ngọc cho rằng, đối với doanh nghiệp, đối với thị trường thì các quy định về điều kiện phát hành phải làm sao vừa không quá chặt, nhưng cũng không quá lỏng, sát với thị trường.
Nên dung hoà và đưa ra được những văn bản cơ sở pháp lý mà không khiến doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn trong việc huy động vốn từ TPDN nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố minh bạch thông tin và đảm bảo các điều kiện từ cơ quan quản lý. Cần tránh việc TPDN phát hành mà nhà đầu tư không nắm rõ thông tin thì sau này sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro.
Ông Ngọc cũng cho biết thêm rằng, trong bối cảnh vốn tín dụng bị thắt chặt và thị trưởng TPDN gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch huy động vốn từ phát hành thêm cổ phiếu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là kênh duy nhất để doanh nghiệp có thể “xoay chuyển tình thế” trong lúc này.