Thời sự

Chuyên gia: Năm 2023 chính sách tiền tệ sẽ giảm dần mức độ thắt chặt và nới lỏng hơn vào quý III

Tại hội thảo chiến lược đầu tư quý I/2023 do CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam CSI tổ chức chiều 11/1, ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Trưởng phòng Tự doanh của CSI nhắc lại năm 2022, thế giới có chung xu hướng là thắt chặt cung tiền.

“Phát súng đầu tiên là từ Fed khi cơ quan này nâng lãi suất từ tháng 3/2022, kéo theo hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu tăng lãi suất nhằm bảo vệ đồng nội tế trước sự mất giá mạnh so với USD”.

 

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, không thoát khỏi xu hướng chung trên thế giới nên đã có hai lần tăng lãi suất trong năm 2022.

Theo ông Kháng, đây là những hành động quyết liệt trong việc kiềm chế lạm phát có xu hướng gia tăng. “Mặc dù việc tăng lãi suất của Việt Nam có độ trễ nhất định so với thế giới nhưng trước đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chính sách thắt chặt tiền tệ, hút tiền về trên thị trường mở”, ông nói.

Cụ thể, ngày 21/6/2022, NHNN mở lại kênh tín phiếu bắt đầu bán ngoại tệ ra, hút tiền về. NHNN cũng điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5% từ 17/10/2022, sau đó NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ ra và thu hút tiền về.

 

Theo số liệu CSI, trong năm 2022, NHNN đã bán ra 20-25 tỷ USD, hút về khoảng hơn 600.000 tỷ đồng Trên thị trường mở, kênh tín phiếu, NHNN hút về khoảng 350.000 tỷ đồng.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của CSI cho rằng chính sách tiền tệ trong năm 2022 theo chính sách chung của thế giới là thắt chặt cung tiền. Sang năm 2023, dư địa sử dụng chính sách tiền tệ không còn quá nhiều, để đạt mức tăng trưởng mục tiêu 6,5% cần có thêm chính sách khác.

Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Trưởng phòng Tự doanh của CSI. (Ảnh chụp màn hình).

“Hiện mặt bằng lãi suất khá cao, các doanh nghiệp khó có thể chịu đựng được mức lãi suất như này. Chúng ta cần sử dụng thêm các chính sách tài khóa như giảm thuế, đẩy mạnh đâu tư công, sửa đổi, nới lỏng các nghị định giúp doanh nghiệp tiếp cận nguôn vốn tốt hơn. Tôi kỳ vọng năm 2023, chính sách tiền tệ sẽ giảm dần mức độ thắt chặt và nới lỏng hơn vào quý III”, ông Kháng nói.

Tại hội thảo, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CSI cho rằng năm 2022 Việt Nam không phát huy được tác dụng mạnh của chính sách tài khóa, giải ngân đầu tư công vẫn chậm. Trong khi đó, chính sách tiền tệ 2022 lại làm rất tốt, ổn định được kinh tế vĩ mô. Ông nhận định chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng ổn định ở giai đoạn đầu 2023 và nới lỏng hơn ở giai đoạn cuối 2023.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CSI. (Ảnh chụp màn hình).

Ông cũng nêu kỳ vọng vào chính sách tài khóa của Chính phủ trong năm 2023, đặc biệt là miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. “Giải ngân đầu tư công sẽ là trọng điểm của chính sách tài khóa 2023, là chìa khóa giúp nền kinh tế hồi phục trở lại”, ông nói.

Phó Tổng giám đốc CSI cho rằng bức tranh của năm 2023 sẽ khác năm 2022 khi chúng ta phát huy hiệu quả chính sách tài khóa để giúp nền kinh tế phát triển. Với chính sách tiền tệ, cần duy trì được sự ổn định và nới hơn vào cuối năm để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Dự báo về kinh tế 2023, ông Lưu Chí Kháng cho biết CSI dự báo tăng trưởng đạt khoảng 6,2-6,5%.

“Tăng trưởng năm 2022 vừa rồi đến từ dịch vụ, đặc biệt là xuất nhập khẩu. Tuy nhiên sang năm 2023 có nhiều vấn đề xuất hiện. Nhiều tổ chức dự báo tốc độ tăng trưởng thế giới chậm lại. Khu vực xuất nhập khẩu có dấu hiệu chững lại trong tháng 11 và tháng 12. Đây là lần đầu tiên xuất nhập khẩu có sự sụt giảm so với cùng kỳ trong hai tháng cuối năm. Ngoài ra, PMI và chỉ số sản xuất công nghiệp cũng suy giảm”, ông nói.

Về lạm phát, CSI dự báo lạm phát năm 2023 ở mức 3,8 - 4,2%, vẫn dưới mức mục tiêu của Chính phủ. Ông Kháng cho rằng lạm phát của Việt Nam có độ trễ và sẽ bị tác động bởi một số yếu tố như Trung Quốc mở cửa trở lại, tăng lương cơ bản từ 1/7, khả năng tăng giá điện,…

Về lãi suất, ông dự báo Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, giữ mặt bằng lãi suất hết quý II, đến đầu quý III sẽ nới lỏng hơn.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm