Những bất cập thực tế của thị trường địa ốc
Trong toạ đàm diễn ra tại Hà Nội mới đây, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế thẳng thắn chỉ ra thực trạng rõ nét mà doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt.
Đầu tiên, ông Ánh khẳng định, tín dụng cho bất động sản đã quá nhiều, một sự nỗ lực rất lớn của các ngân hàng trong thời gian vừa qua khi mà quy mô tín dụng cho bất động sản đã lên tới 20% trong tổng tín dụng cho nền kinh tế, cứ 5 đồng bỏ ra, đã có 1 đồng vào bất động sản. Cấp độ tăng tín dụng tăng tới 24%, tức là gần gấp đôi so với cấp độ chung tăng tín dụng cho nền kinh tế trong năm 2022. “Như chúng ta đã nói, gần 70% vốn bất động sản là từ tín dụng, vậy nên việc thêm vốn tín dụng là rất khó”.
(Ảnh minh hoạ).
Một điểm thứ hai, mà TS. Vũ Đình Ánh chỉ ra đó là lãi suất cho bất động sản trong mọi trường hợp rất khó đòi giá thấp hơn so với lãi suất chung của thị trường. Ông Ánh dự đoán: Xu hướng chung năm 2023, lãi suất nói chung đối với bất động sản sẽ giảm rất dễ khả thi và có thể thực hiện được.
Riêng về gói 120.000 tỷ, ông Ánh khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản trước khi nói về câu chuyện đáo hạn trái phiếu, phát hành trái phiếu riêng lẻ,… cần tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh bất động sản. Có khá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn không phải do các nguồn lực hay do vấn đề thị trường vĩ mô, tài chính mà xuất phát từ chính doanh nghiệp.
Theo ông Ánh, các doanh nghiệp nên tái cơ cấu lại nguồn tài chính và sau đó mới bàn tới câu chuyện tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp. Trong tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu nguồn tài chính các doanh nghiệp nên đưa tập trung phần phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Ngoài ra, theo ông Ánh, Nghị quyết 08 mang đến lối thoát trong vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đến hạn đáo hạn và sắp đáo hạn quy mô vài trăm ngàn tỷ trong năm 2023 và 2024. Do đó, hiện tại việc tái cơ cấu lại tài chính, trái phiếu doanh nghiệp đó là cơ hội cho doanh nghiệp trong 2 năm có thể xử lý các khoản đã vướng mắc.
Cần sự đột phá về thể chế
TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng nhận định: “Có lẽ hiện tại thị trường bất động sản còn đang trong mùa đông băng giá, các doanh nghiệp bị mắc cạn nhưng hy vọng mùa xuân sẽ sớm trở lại với thị trường bất động sản Việt Nam”.
Ông Lộc đưa ra dẫn chứng, năm 2022, lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể tăng gần 40% so với năm 2021. Đây chỉ là bề nổi của tảng băng. Các doanh nghiệp còn lại đang duy trì hoạt động cũng rơi vào cảnh vô cùng khốn đốn, đó mới chính là phần chìm của tảng băng.
Ông Lộc chỉ ra những khó khăn nổi cộm nhất hiện nay trên thị trường bất động sản trong 4 chữ, đó là: Tài chính - Pháp lý. Trên cơ sở chỉ ra vấn đề bất cập của thị trường, ông Lộc kiến nghị cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế. “Theo tôi, đột phá thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản. Dư địa về cải cách thể chế, về pháp lý là vô tận, cho nên đây là vấn đề lớn nhất cần có sự quan tâm sát sao và kịp thời. Vai trò của Nhà nước trong vấn đề này là rất lớn để có thể tiếp sức sức cho các doanh nghiệp”, ông Lộc nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, những năm qua, dòng tiền đã quá dễ dãi khi dễ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, vấn đề trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro pháp lý lại bị coi nhẹ.
“Riêng về pháp lý, không có chuyện thương lượng, mà phải đảm bảo tính chắc chắn. Tôi đề nghị rà soát toàn bộ các dự án đang thực hiện hiện nay để tìm ra được những dự án tốt. Rất nhiều dự án bị đình trệ hiện nay là do sự chậm trễ của các chính quyền trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Song song với đó, cần thúc đẩy các ngân hàng thảo luận giãn nợ. Nếu có vướng mắc với đơn vị thầu, thi công thì khuyến khích mua lại dự án đảm bảo pháp lý, nhưng phải đi kèm điều kiện các nhà thầu có đủ điều kiện và mong muốn hợp tác”, ông Lộc đề xuất.