Dự án VCED của tổ chức phi chính phủ đến từ Canada - Socodevi, đang hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã gồm: bưởi da xanh Bến Tre, nho Evergreen Ninh Thuận, thanh long Thanh Bình, bò sữa Đơn Dương, bò sữa Sóc Trăng. Các HTX cung cấp các sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng theo chuẩn VietGAP/GlobalGAP trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Trong đó, Evergreen Ninh Thuận là một trong 4 hợp tác xã của tỉnh Ninh Thuận vừa được tham gia Đề án "Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dưới đây là bài viết của chị La Thị Nga - Điều phối viên nông nghiệp Dự án VCED về những gì mà họ đã làm với HTX nho Evergreen Ninh Thuận.
-------------
CƠ DUYÊN CỦA TÔI VÀ TEAM VCED VIỆT NAM VỚI VÙNG TRỒNG NHO NINH THUẬN
Sau nhiều ngày chìm đắm trong tăm tối, thiếu ánh nắng mặt trời triền miên, tôi đã quyết đi theo hướng mặt trời - cứ hướng Tây mà tiến. Năm 2016, tôi xách balo đi tìm kiếm những vùng đất mới, đi như điên - đi như tìm kiếm lại một nửa linh hồn mình đang thất lạc ở đâu.
Đó là lúc tôi đã là nhân viên của VCED, cùng sự tò mò, đi đến những vùng dự án đang hoạt động, tôi bắt đầu đặt chân đến vùng đất nhiệt đới Bến Tre, Ninh Thuận, Bình Thuận với số giờ có nắng khoảng 6-8 tiếng/ngày. Sau khi đến Ninh Thuận, tôi nghĩ mình đã tìm được hy vọng, niềm tin và tinh yêu ở các mảnh đất đầy nắng và gió, là nơi mình bắt đầu thỏa thích rong ruổi và sống quần quật.
Nghe nói, Phan Rang - Ninh Thuận có nhiều trái ngon vật lạ, ví dụ như nho có hạt hơi chát, ngọt dịu. Đây đích thực là dòng nông sản bản địa và không chuyển đổi gene rồi. Phan Rang là một vùng đất có địa thế tuyệt mỹ, vừa có núi, vừa có biển, thật sự là hoang sơ. Sau vài ngày ngâm mình dưới biển Ninh Chữ, Bình Sơn, Vĩnh Hy …; được bơi lội cùng những đàn cá xanh đỏ tím vàng, uống thử thứ nước biển mặn thứ thiệt, một lượng khoáng tự nhiên làm tôi cảm thấy đầy sinh lực.
Chị La Thị Nga - Điều phối viên nông nghiệp Dự án VCED
Không khỏi ngạc nhiên, dê cừu vùng này có trình độ leo trèo cực tốt. Cứ đỉnh núi đá cheo leo mà đi. Nhìn thấy đã chóng mặt. Còn đồi cát Nam Dương thì bỏng rẫy cả chân …Chiều muộn, tôi lượn lờ quanh các ruộng vườn được tưới nước ngọt từ sông Rinh chảy xuống. Những vườn nho trĩu quả, mọng ngọt. Tiếng nói giục giã là lạ của người Chăm thúc đàn gia súc về chuồng sau một ngày dài đi kiếm ăn. Chiều quê sao mà thanh bình đến thế! Không tin nổi, mình đã thực sự sống lại lần thứ 2 và được đặt chân đến những mảnh đất lạ, thú vị đến như vậy ở Việt Nam.
Nhưng có cái gì đó không bình thường, không khí không ngọt ngào một chút nào, một vùng đỏ ngòm mịt mù trộn giữa bụi cát mịn, một mùi hôi rình trộn lẫn mùi phân, nước đái động vật. Nước hoa của nhà quê đây! Một mùi gì hăng hắc của thuốc trừ sâu (tôi luôn nhạy cảm với hóa chất lắm bởi có vài năm trong phòng thí nghiệm!), bắt đầu làm tôi bị ngứa mũi, ngứa mắt, người bứt rứt …Nhìn sang bên cạnh, những con đường lòng vòng, uốn lượn, trong những vườn nho xanh rì đang phủ một lớp sương - nồng nặc mùi hóa chất.
Trong sâu thẳm xa xôi – vọng về, tôi tự nhiên chùn bước. Liệu quyết định của tôi về những nơi có mặt trời này có đúng hay không? Có một vài ý nghĩ thoáng qua đầu: sao mình không cố bám víu ở nơi "tha phương" kia – có lẽ đó mới là thiên đường của bao người? Tự dưng muốn khóc, muốn gào: Việt Nam ơi, đến bao giờ nữa đây? Cứ ăn hóa chất thế hay sao?
Sau đó, cả nhóm dự án VCED gồm rất nhiều anh chị em tâm huyết, đã có nhiều ngày lê la, vật lộn với thực tế. Nếu điểm xuất phát của nông dân Việt là vậy rồi, mình sẽ giúp gì được họ đây? Khi họ cần đến mình thì mới có dự án này, nếu mọi thứ tốt rồi, họ đâu cần đến sự có mặt của chúng tôi nữa.
Vậy nên, cả nhóm quyết định tự nhắc nhau: mình có cơ hội hỗ trợ nông dân, đừng làm cái gì mà nó ‘xa vời thực tế’, học nhiều rồi giờ làm cái gì thiết thực đi. Nếu không làm được gì to tát cho một ngành nông nghiệp lớn, vậy thì làm nhỏ để ít ra lương tâm mình không còn cắn rứt. Hãy làm cái gì đó đem lại lợi ích gì cho chuỗi nho Ninh Thuận đi!
Đội ngũ của dự án Dự án VCED, thuộc tổ chức phi chính phủ đến từ Canada - Socodevi.
Hãy thương yêu, đồng cảm với những người dân nhỏ bé kia, họ cũng như cha như mẹ chúng ta thôi. Cả đời họ ở mảnh đất này, nếu mảnh đất này thiếu họ, thì làm gì có vườn nho. Mà muốn vườn nho không còn mù mịt thuốc sâu nữa, mình phải thay đổi cách làm thôi!
Tiếp theo, cả nhóm bắt đầu tìm kiếm, gặp gỡ nhiều người có tư duy mới, kết nối với các đầu mối chuyên gia trong vùng, trong nước, những người tiên phong trong nền nông nghiệp, muốn chuyển đổi từ "bội nhiễm" hóa chất chuyển dần sang thay thế hóa chất, sử dụng nhiều biện pháp an toàn trong nông nghiệp.
VẬY PHƯƠNG THỨC CANH TÁC SỬ DỤNG TÚI BAO TRÁI CHO CÂY NHO LÀ NHƯ THẾ NÀO?
Cả nhóm quyết định gợi ý các chương trình tập huấn: sử dụng túi bao trái nho trong suốt quy trình canh tác, NGHIÊM NGẶT- KHÔNG HÓA CHẤT.
Tổng thời gian từ khi nho nhú mầm, ra hoa, đậu quả và trái chín với thời gian khoảng 140-150 ngày. Điều kiện thời tiết ở Phan Rang rất khắc nghiệt: mùa nắng thì nắng gắt, nắng cháy, khô rang, gió mạnh từ biển thổi vào; mùa mưa thì dầm dề và gió biển thổi vào đất liền rất mạnh. Với điều kiện thời tiết thất thường, thay đổi liên tục, cộng thêm yếu tố thời vụ, độ ẩm sương mù, mưa acid …như thế; nấm bệnh côn trùng có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong suốt vòng đời của cây nho.
Việc sử dụng túi bao trái là một cách thông minh vừa bảo vệ trái nho khỏi bị côn trùng xâm nhập, ăn, cắn phá đẻ trứng lên; cũng như trái được bọc trong túi rất an toàn, kín khí, nhưng vẫn được hộp hấp và quang hợp bình thường. Túi bao nên là túi màng trong, sáng màu hoặc màu trắng. Tức là, chúng ta vẫn hoàn toàn không phải dùng thuốc trừ sâu một khi túi bao trái được lắp đặt trên giàn. Việc bao trái nho không làm chất lượng trái nho thay đổi.
Hơn nữa, khi sử dụng phương pháp này sản lượng nho sẽ tăng 10%-20% nhờ giảm đáng kể trái bị hư; giảm 20% công lao động cho công đoạn cắt tỉa trái và phun thuốc trừ sâu. Khi thu hoạch nho thì túi bao trái sẽ được gỡ ra để tái sử dụng cho các lần sau, tiết kiệm chi phí sản xuất. Tổng lợi nhuận tăng từ 35% - 50%, khi nho bao trái được Hợp tác xã thu mua với giá cao hơn.
Chuyêng gia đang tập huấn cho các hộ nông dân trồng nho ở HTX nho Evergreen Ninh Thuận.
Về phần cây và lá: thì mình vẫn để cây lá quang hợp bình thường, hàng ngày các bác nông dân vẫn cần tưới nước đủ cho vườn nho, tủ gốc và ủ phân bò đã hoai trên vườn nho của mình.
Trường hợp xấu nhất: nếu là bị sâu và rầy ăn nhiều, những thành viên tiên phong vẫn được khuyến cáo sử dụng các loại thảo dược để xua đuổi côn trùng, hoặc dùng các chất bám dính như dầu trơn, citrus oil (tinh dầu bưởi, tinh dầu sả, treo để đuổi), hoặc phun lên lá tạo có một lớp dầu khoáng trơn, côn trùng sẽ không đẻ trứng lên được lá …
Ở Bến Tre, dự án VCED đã hỗ trợ các thành viên nuôi kiến vàng trên vườn bưởi để bắt sâu bọ côn trùng, tự làm dịch chiết thảo mộc tự chế như dịch chiết tỏi, dịch chiết sả, gừng, riềng rồi ngâm ủ với rượu và pha loãng ra phun, sẽ giúp xua đuổi được hầu hết côn trùng phá hoại.
Một biện pháp nữa là: Khi nông dân thấy xuất hiện sâu/bướm côn trùng gây hại, họ có thể dùng tay bắt sâu, hoặc diệt kén sâu. Bởi chỉ cần phá vỡ 1 vòng đời sâu hại, là lượng côn trùng này sẽ không chuyển hóa và để trứng được tiếp nữa. Đây là phương pháp thủ công mà ông bà mình ngày xưa hay làm. Rất hiệu quả! Khoảng vài năm gần đây, nhiều công ty bảo vệ thực vật, lợi dụng nông dân để quảng cáo hóa chất tặng quà nhiều, nên đã tạo ra thói quen "lười" bắt sâu bọ côn trùng của nhà nông.
Tất nhiên, những trái nho canh tác theo hình thức bao trái như này, sẽ không được đẹp về mặt cảm quan. Hơn 100 ngày, những trái nho bị treo trên giàn, bị va đập lớn bởi nắng và gió Phan Rang, độ xước xát trái lớn.
Do đó, Khi nhận được trái nho Ninh Thuận bề ngoài không đẹp, hãy đừng vội buồn, mà vui lên bạn nhé! Bởi bạn phải biết rằng, quá trình thuyết phục nông dân trồng nho ở Phan Rang – Ninh thuận chuyển mình, chuyển đổi từ trồng những trái nho đẹp, nhẵn bóng "ngậm" đầy thuốc sâu sang không đẹp bằng nhưng bao sạch với phương thức sử dụng túi bao trái, team VCED tại Việt Nam đã mất hẳn nửa thập kỷ!
Từ khi đưa ra chương trình tập huấn cho gần 100 thành viên của HTX Nho Evergreen Ninh Thuận đến khi thực sự các thành viên sử dụng cũng mất khoảng 2-3 năm. Một sự chuyển đổi khó khăn, nhiều khi rất nản.
Cận cảnh những chùm nho được canh tác theo hình thức bao lưới.
Bởi từ bao đời nay, có ai sử dụng túi bao trái đâu, khi chuẩn bị thu hoạch rồi, mất bao nhiêu công để đi lật, kiểm tra từng túi, bỏ từng túi ra xem nho đã chín chưa. Quá trình đó mất nhiều thời gian gấp 2 đến 3 lần so với làm phổ thông. Nhưng ngạc nhiên là, các bác nông dân đã tiết kiệm được vô số chi phí chi cho hóa chất, đặc biệt an toàn cho cả nông hộ, cả vùng, mà tỷ lệ trái thu hoạch được cũng rất tốt!
Thấy được lợi ích lâu dài đó, sau một vài vườn tiên phong đi trước và được các khách hàng đón nhận nhiệt tình. Đó là động lực và cũng là nhu cầu thiết thực cho việc thực hành SỬ DỤNG TÚI BAO TRÁI này của hành viên gia nhập HTX, họ đồng lòng canh tác theo hướng An toàn, ghi chép sổ sách và có tổ "Thanh Tra Nội Bộ" được đào tạo bởi tổ chức Naturland – với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ độc lập đi thanh tra, kiểm soát, chất lượng trước khi thu hoạch sản phẩm và trước khi giao đến tay người tiêu dùng.
HÀNH TRÌNH CHƯA KẾT THÚC VÀ NHIỀU KHÓ KHĂN Ở PHÍA TRƯỚC
Dù đã thu về một vài thành tựu nhất định, song hành trình làm nông nghiệp sạch – cụ thể là nho sạch vẫn còn nhiều chông gai phía trước.
Có 3 khó khăn lớn nhất. Đầu tiên là nguồn nhân lực thiếu hụt: các bạn trẻ thích ở lại thành phố lớn làm việc và ít có người mong muốn trở lại địa phương để cống hiến, nên chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khắn trong việc tìm được độ ngủ đủ năng lực kinh doanh nho sạch.
Thứ hai, một doanh nghiệp HTX canh tác kiểu mới cũng gặp khó khăn tương tự như một startup. Họ cũng cần thời gian nhận diện thương hiệu, sản phẩm trên thị trường, cần thời gian test các sản phẩm mới và tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng, liên tục thay đổi và cải thiện sản xuất, sản phẩm…
Cuối cùng, việc canh tác mùa vụ cũng là một trở ngại lớn. Nếu sản lượng nho từ 100 thành viên thu hoạch ồ ạt cùng một lúc, thì HTX nhỏ trở tay không kịp để đưa nho ra thị trường trong một thời gian ngắn. Còn nếu chọn phương án chế biến toàn bộ thì lưu kho lớn và dòng tiền không luân chuyển … Do vậy, HTX Evergreen hiện đang chọn phương án làm tốt với các thành viên ưu tú trước, khi có vị trí vững trên thị trường và đủ mạnh, sẽ kết nạp thêm nhiều thành viên mới vào.
Những sản phẩm của HTX nho Evergreen Ninh Thuận.
Ở khía cạnh khác, nếu xét bức tranh thị trường rộng hơn: thì hiện sản lượng nho tươi cung cấp ra thị trường với số lượng hạn chế, do đặc điểm thời vụ. Cụ thể: 1 năm Ninh Thuận có tối đa 3 vụ nho, chỉ thu hoạch trong thời gian ngắn, trong khi nhu cầu vào siêu thị hàng liên tục, thường xuyên cao. Nên khó có thể đáp ứng được các chuỗi cung ứng lớn. Vì các thành viên không sử dụng kích thích sinh trưởng, chỉ theo mùa vụ, nên chỉ khi nào có mùa thu hoạch, HTX mới kêu gọi người tiêu dùng ăn nho tươi.
Hơn nữa, nho là một loại trái da mềm, rất dễ bị hư dập trong quá trình thu hoạch và trong quá trình vận chuyển cũng đặc biệt cực kỳ nhạy cảm với nước mưa. Nếu thu hoạch nho vào mùa mưa, thì hầu như người dân bị mất trên 70% sản lượng, trái bị hư, nổ khó mà bán ra thị trường được.
Đây cũng là điểm yếu của tình trạng canh tác manh mún nhỏ lẻ của người nông dân Việt Nam nói chung, người trồng nho nói riêng: mỗi nhà cũng chỉ có tầm 3-5 sào, việc đầu tư nhà màng, hệ thống tưới tiêu và đầu tư trang thiết bị còn thấp, phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên, do vậy, rất dễ bị tổn thương khi có điều kiện thời tiết bất lợi.
Tuy nhiên, trong tương lai, tôi tin rằng, với cơ ngợi khang trang, hiện đại bậc nhất tỉnh Ninh Thuận, HTX nho Evergreen sẽ trở thành HTX mô hình kiểu mới với quy mô lớn, vài trăm thành viên. Càng nhiều người trồng nho sử dụng các biện pháp canh tác an toàn, giảm thiểu hóa học và vì sức khỏe cả cộng đồng và thế hệ tương lai.
Còn bây giờ, mỗi lần ghé Phan Rang là tôi thực sự không muốn tạm biệt nó nữa! Mỗi lần ghé là một lần tôi đầy tâm trạng, liên tưởng đến những thung lũng Nho của Ý, liên tưởng đến nhiều bài hát trữ tình, những điều thi vị của cuộc sống, cuộc đời này đẹp thế sao! Mỗi lần được ghé vườn nho, băng qua những bờ rào xương rồng gai góc, cho dù có bị gai xương rồng đâm chảy máu thì cũng cứ gào lên một cách sung sướng và nhét nho vào miệng ăn một cách ngọt ngào và nhăn nhở.