Những định hướng lớn của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân được cho là sẽ tạo nên "bước ngoặt" cho khu vực này khi kiên quyết xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho và đưa ra những giải pháp cụ thể để nuôi dưỡng doanh nghiệp lớn lên.
Mục tiêu cực kỳ tham vọng
Đánh giá về các mục tiêu được đưa ra tại Nghị quyết 68, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược), cho rằng Nghị quyết 68 mà Bộ Chính trị vừa ban hành đã đặt ra một số mục tiêu khá tham vọng như: Có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, tăng trưởng GDP của khu vực kinh tế tư nhân mỗi năm phải đạt 10 - 12%.
Song hành với đó, Nghị quyết 68 cũng đưa hàng loạt giải pháp, giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ như: Rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, tháo gỡ điểm nghẽn,...cắt giảm ít nhất 30% điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật, thời gian thực hiện thủ tục hành chính với mục tiêu đến 2028, Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN về năng lực cạnh tranh.

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: Báo Đầu tư).
Ông Cung cho rằng, đây là những mục tiêu cực kỳ tham vọng đối với các cơ quan thực thi bởi hiện nay mới chỉ có một triệu doanh nghiệp. Vì vậy, để đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, mỗi năm cần có thêm 200.000 doanh nghiệp hoạt động và tồn tại.
Theo ông Cung, về mặt chủ trương, chính sách Nghị quyết 68 đã rất tốt, không thể kỳ vọng hơn nữa. Kết quả này có làm được hay không phụ thuộc vào việc cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.
"Phải làm sao để số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày càng ít đi và số doanh nghiệp gia nhập ngày càng nhiều hơn", chuyên gia nói.
Điểm qua một số giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp "dám làm, dám lớn", vị chuyên gia này chỉ ra rằng: Nghị quyết 68 đã đưa ra khá chi tiết những giải pháp như: Cắt giảm 30% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, miễn thuế ba năm đầu thành lập doanh nghiệp, cung cấp nền tảng kế toán, tăng khả năng tiếp cận vốn, đất đai cho doanh nghiệp tư nhân,..
Trong đó, chỉ riêng nhiệm vụ cắt giảm ít nhất 30% điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật, thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong năm 2025 cũng tạo áp lực rất lớn cho Chính phủ và các cơ quan thực thi.
Theo ông, muốn đạt được mục tiêu có 200.000 doanh nghiệp tham gia, trước tiên phải cải thiện mạnh mẽ thủ tục gia nhập thị trường và thành lập doanh nghiệp, cần tạo ra môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, an toàn và tin cậy để doanh nghiệp yên tâm hoạt động, đầu tư.
"Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, môi trường kinh doanh phải thúc đẩy sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm xã hội – đó chính là nền tảng để phát triển", ông Cung nói.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu này, cần rút ra kinh nghiệm từ những lần trước. "Người đứng đầu phải có trách nhiệm rõ ràng và thực sự quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, cần có một đội ngũ độc lập, chuyên trách theo dõi, đánh giá và kiến nghị các giải pháp, đề xuất kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền", TS. Cung đề xuất.
Trong quá trình thực hiện, cần đánh giá định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm. Qua đó, tìm ra lý do vì sao số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng hay giảm và từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để xử lý bất cập. Nếu có một cá nhân hoặc cơ quan đủ thẩm quyền, tâm huyết và có trách nhiệm, thì chắc chắn quá trình này sẽ hiệu quả và sinh động hơn.

Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tính đến 31/12 các năm 2017 - 2024. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ GSO).
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thẳng thắn thừa nhận, mục tiêu có 2 triệu doanh đến năm 2030 là rất khó, phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi.
Trên thực tế, đa số doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này không chỉ thường gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai, khoa học, công nghệ… mà còn rất yếu về năng lực quản trị cũng như thực hiện các dịch vụ công.
Đồng thời, hàng triệu hộ kinh doanh "không chịu lớn", không muốn trở thành doanh nghiệp như dư luận đã nhiều lần phản ánh. Trước đó, Chính phủ cũng từng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp nhưng đến năm 2024 mới đạt gần 1 triệu doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, định hướng của Đảng đã rõ, nếu được cụ thể hóa và thực thi hiệu quả, giúp hàng triệu hộ kinh doanh có niềm tin, hào hứng và sẵn sàng lớn lên thành doanh nghiệp, thì tôi tin mục tiêu Bộ Chính trị đặt ra hoàn toàn khả thi", ông Thân nhận định.
Nếu đạt mục tiêu này, ông cho biết sẽ tạo ra thêm hàng triệu việc làm, giúp tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, tăng thu ngân sách và đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: VGP).
Chia sẻ tại toạ đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" diễn ra mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng cho rằng khi có tinh thần mạnh mẽ, khẩn trương, quyết tâm, quyết liệt và có những biện pháp thực thi thì hoàn toàn có thể làm được những mục tiêu mà Nghị quyết 68 đề ra.
"Có những việc khó có thể không làm được nhưng đấy là trên nền tảng tư duy thông thường. Còn bây giờ chúng ta đã làm Nghị quyết này trên một nền tảng tư duy rất đổi mới, cả về cách làm nghị quyết", ông Hiếu nói.
Ví dụ như việc rà soát để cắt bỏ các thủ tục hành chính, không phải là chỉ có Bộ Tài chính làm mà phải tất cả các bộ, ngành dồn nguồn lực để làm, công chức, cán bộ cũng phải làm. Việc thứ hai là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng cần rà soát để xem nếu chuyển sang hậu kiểm, thì có làm được không?
"Cần đổi mới cả về tư duy, hành động và phát huy tinh thần quyết liệt hiện nay", ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông cũng đề xuất về lâu dài, Chính phủ nên có một cơ quan chuyên môn độc lập, nâng cấp hơn nhóm tư vấn chính sách. "Các nước khác gọi là cơ quan cải cách thể chế, trực thuộc Thủ tướng hoặc Chính phủ và phải trao cho họ thẩm quyền trình đề xuất pháp luật. Bởi nhiều khi chúng ta giao cho các bộ tự rà soát, tự đề xuất cắt bỏ thì rất khó", ông Hiếu nói.