Tài chính

Chuyên gia gợi ý 4 mã cổ phiếu ngân hàng tiềm năng có thể tăng trưởng mạnh trong thời gian tới

Tại chương trình DInsight với chủ đề tia sáng sau bão tố, do CTCP Chứng khoán VNDirect tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra những góc nhìn về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và tiềm năng của các ngành trong thời gian tới. Trong đó, ngành ngân hàng được các chuyên gia đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian để thảo luận.

Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VNDirect, ở thời điểm này nên chú ý vào nhóm ngành ngân hàng. Năm ngoái, nhà đầu tư đã khá lo ngại về ngành ngân hàng vì nợ xấu tăng lên và câu chuyện liệu Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu có được kéo dài không. Đến hiện tại, các thông tin gần đây cho thấy Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc xử lý nợ xấu và sẽ sớm có các văn bản hướng dẫn để giải quyết vấn đề nợ xấu.

Điều này sẽ giúp cho các ngân hàng thứ nhất là có dư địa để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; thứ hai là không phải tăng lãi suất quá nhiều để hỗ trợ cho sự phục hồi của các doanh nghiệp và thứ ba nó cũng sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của các ngân hàng.

Theo quan sát của bà, tính đến thời điểm cuối năm 2021, hầu hết các ngân hàng đã thực hiện khá tốt việc đẩy mạnh dự phòng tín dụng. Khi việc xử lý nợ xấu do dịch bệnh được kéo dài hơn, các ngân hàng sẽ có thể giảm trích lập dự phòng và hoàn nhập các khoản đã trích lập trước đó. Điều này sẽ tạo ra một tiềm năng rất lớn cho lợi nhuận của ngân hàng.

Về thị trường chứng khoán, ở thời điểm hiện tại, việc thị trường chứng khoán hay VN-Index có phục hồi hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng điểm của ngành ngân hàng.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc đầu tư - Công ty Quản lý quỹ IPA cho biết giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ có biến động hơi khác so với lợi nhuận dự báo.

Lợi nhuận của ngành ngân hàng rất dễ dự báo, chỉ cần dựa trên các chỉ tiêu đã được đại hội cổ đông thông qua và ngân hàng nhà nước phê duyệt là có thể đoán trước được. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu của ngân hàng lại là câu chuyện khác. Giá cổ phiếu các nhà băng thường đi theo xu hướng "no dồn, đói góp".

Ví dụ như giá cổ phiếu ngân hàng sẽ tích lũy trong khoảng 2 năm rồi sau đấy tăng trưởng bù.

Trong quá khứ, đã có rất nhiều cổ phiếu ngân hàng quá trình tích lũy diễn ra rất lâu, nhưng khi thời điểm chín muồi, giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng bù và đuổi theo lợi nhuận.

Khi cổ phiếu ngân hàng tích lũy càng lâu và P/E càng thấp thì đó là thời điểm rất an toàn để giải ngân dòng vốn đầu tư dài hạn.

Ví dụ như VPBank hay Techcombank, gần một năm qua, giá cổ phiếu đã có một giai đoạn tích lũy, thời gian tích lũy cũng có thể sẽ lâu hơn nữa. Tuy nhiên, khi quá trình tích lũy hoàn thành thì lợi nhuận từ việc nắm giữ cổ phiếu cũng sẽ được bù đắp.

Trong quá khứ, việc nắm giữ cổ phiếu ngân hàng có một mức lợi suất rất cao, lên đến 20%/năm.

"Ví dụ như việc nắm giữ cổ phiếu MB từ thời điểm cổ phiếu này vẫn còn ở thị trường OTC thì sau 10 năm nắm giữ mức sinh lời có thể lên đến 4 lần. Mức tăng trưởng này là rất cao so với việc mua đất nền hay bất kỳ một kênh tài sản nào khác."- Ông Hoàng nói

Nếu mua và nắm giữ cổ phiếu ngân hàng trong dài hạn thì cổ phiếu ngân hàng là dòng cổ phiếu sinh sôi giá trị rất bền vững và an toàn.

Trong 8 tháng tới, cổ phiếu ngân hàng sẽ vẫn có những đợt tăng giá và có thể tăng trưởng khoảng 15%. Tuy nhiên, để phản ánh hết tiềm năng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng thì phải đợi sang 2023 khi dòng vốn nước ngoài tích cực hơn.

Về việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng nào, ông Hoàng đánh giá rất cao những ngân hàng tăng được vốn chủ sở hữu để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức cao. Trong đó, VPBank, Techcombank, ACB, MB là các ngân hàng duy trì được tỷ số này ở top cao. Các ngân hàng kể trên hoàn toàn có thể ghi nhận tăng trưởng tín dụng trên 20% nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép. Bên cạnh đó, định giá cổ phiếu của các nhà băng kể trên cũng đang ở vùng biên an toàn, rất hợp lý để nắm giữ dài hạn.

Dự báo, trong 3 năm tới, tăng trưởng quy mô tín dụng của các ngân hàng này có thể đạt  50-70%. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nắm giữ các cổ phiếu ngân hàng này có thể kỳ vọng mức lợi nhuận 50-70% trong ít nhất 3 năm tiếp theo.

Hiện tại, ông Hoàng cho rằng VPBank có thể tăng trưởng cao hơn và đây là ngân hàng đang có tỷ lệ CAR cao nhất ngành. Bên cạnh đó, Techcombank là ngân hàng cũng rất đáng lưu tâm. Tuy nhiên, đặc thù của cổ phiếu TCB là dồn nén rất lâu. Vì thế, nó sẽ khó phù hợp với các dòng tiền đầu cơ ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn một chu kỳ 2-3 năm, mức sinh lời cổ phiếu TCB rất đáng kể có thể trên mức 50% trong 3 năm tới.

Trong khi đó, theo kỳ vọng của ban lãnh đạo Techcombank thì đến 2025 vốn hóa ngân hàng có thể đạt 20 tỷ đô. So với mức vốn hóa hiện tại khoảng 8 tỷ đô, mức tăng trưởng có thể lên đến 150%/năm, cao hơn nhiều so với dự báo của chuyên gia.

Ông Minh Lê, quản lý danh mục đầu tư - quỹ VNValue trong chương trình cũng cho biết, ông cũng sẽ chọn Techcombank. Vì theo tham khảo các nước trên thế giới, mô hình ngân hàng thương mại đã lỗi thời và tương lai của ngành sẽ là ngân hàng đầu tư. Những ngân hàng muốn tồn tại trong tương lai thì phải chuyển hình theo mô hình này. Trong số tất cả các ngân hàng thì hiện chỉ có Techcombank đã có nhiều bước tiên phong sẵn sàng chuyển dịch.

Đối với bà Hiền, trong 2-3 năm tới, ngân hàng nào thỏa mảng 4 tiêu chí sau thì có thể sẽ là sự lựa chọn thích hợp cho nhà đầu tư: 1) Có tỷ lệ CAR cao; 2) có khả năng triển khai tín dụng tốt và quản lý tốt chi phí vốn; 3) được định giá hấp dẫn và 4) có câu chuyện riêng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm