Trong bối cảnh thanh khoản dư thừa, tăng trưởng tín dụng thấp, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trước hạn trong những tháng gần đây.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8, các doanh nghiệp đã mua lại 17.489 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng nhóm ngân hàng đã mua lại khoảng 6.600 tỷ đồng TPDN trong tháng 8, chiếm 37,7% con số mua lại của toàn thị trường.
Cụ thể, có 5 ngân hàng thực hiện 9 đợt mua lại trái phiếu trước hạn trong tháng 8. Trong đó, OCB là ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn nhiều nhất với giá trị lên tới 3.000 tỷ đồng, tiếp đó là Sacombank mua lại 1.300 tỷ đồng, HDBank và MSB mua lại 1.000 tỷ đồng, VIB mua lại 300 tỷ đồng.
Chia sẻ với người viết, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhận định động thái mua lại trái phiếu trên xuất phát từ hai nguyên nhân.
Thứ nhất, về phía cầu, nhiều nhà đầu tư có mong muốn bán lại TPDN riêng lẻ, nhiều lô trái phiếu đáo hạn trong thời gian qua.
Và thứ hai, về phía ngân hàng, NHNN đã cho phép các ngân hàng thương mại mua lại TPDN theo Nghị định 08. Việc mua lại các lô trái phiếu cũng là một cách để cơ cấu lại vốn, phát hành lại với mức lãi suất thấp hơn.
Theo ông, việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp ngân hàng giảm dư thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cải thiện Hệ số an toàn vốn (CAR). "Đây là một hoạt động kinh doanh thông thường của các ngân hàng", ông Lực nói.
Dù vậy, vị chuyên gia này cũng cho hay cũng không loại trừ việc ngân hàng mua lại trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm để lấy dư địa phát hành trái phiếu mới kỳ hạn trên 5 năm (đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2).
Điều này được thị trường nhận định là động thái hợp lý trong bối cảnh kể từ tháng 10,các ngân hàng sẽ phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30% thay vì 34% như hiện tại.Trong khi đó, theo NHNN, có tới 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi dưới 12 tháng, song 52% dư nợ tín dụng của hệ thống lại là trung và dài hạn.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Cấn Văn Lực cho biết hiện nay hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn ngành ngân hàng vẫn khá thấp chỉ khoảng 26% (theo số liệu của NHNN). Do đó, kể cả khi áp dụng quy định giảm hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 34% xuống còn 30% từ ngày 1/10 vẫn còn dư địa, nên không quá ảnh hưởng đến các ngân hàng.
"Vấn đề là một số ngân hàng bị chạm hoặc bị vượt chỉ số này nên đương nhiên họ sẽ phải cơ cấu lại", ông Lực nói.
Tuy nhiên theo chuyên gia, hoạt động phát hành để kéo dài thời hạn hoặc cơ cấu lại để giảm hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn không nhiều, chủ yếu mức lãi suất hiện nay thấp hơn nên các ngân hàng tăng cường mua lại để quay vòng và phát hành mới với mức lãi suất thấp hơn.
Trên thực tế, bên cạnh xu hướng mua lại trái phiếu đã phát hành, hoạt động phát hành mới của ngân hàng cũng rất sôi động. Trong tháng 8, có 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng với tổng giá trị 13.800 tỷ đồng, chiếm 55% tổng giá trị phát hành toàn thị trường.
Trong đó, ngân hàng ACB phát hành 3 đợt với tổng giá trị là 6.500 tỷ đồng, ngân hàng ABBank phát hành hai đợt với tổng giá trị là 3.000 tỷ đồng, OCB phát hành 1 đợt 2.000 tỷ đồng, MSB phát hành 1.000 tỷ đồng, Bắc Á phát hành 800 tỷ đồng và BIDV phát hành 500 tỷ đồng.