"Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 7,06% thậm chí cao hơn. Mức tăng này đã lấy lại đà tăng trưởng như trước thời kỳ COVID-19", ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói tại Hội thảo: "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội do Báo Đầu tư tổ chức sáng 12/12.
Tăng trưởng GDP có thể đạt 7,06%
Lý giải về nhận định này, ông Khôi cho biết, năm 2024 Việt Nam tăng trưởng ổn định trên cả ba khu vực nông - lâm - thuỷ hải sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn. So với mức trung bình của giai đoạn 2015 - 2022, tăng trưởng năm 2024 đã đạt được mức gần tiệm cận với mức phục hồi.
Các chỉ tiêu mà Chính phủ đưa ra từ đầu năm hầu hết đạt được và vượt kế hoạch. Duy chỉ có tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP sẽ là thách thức rất lớn bởi 9 tháng đầu năm, tỷ lệ này mới là 29,84% trong khi mục tiêu cả năm là 35%.
Hiện nay, vốn đầu tư công mới chỉ giải ngân được hơn 73%, tổng vốn đầu tư công 11 tháng mới đạt được 54%. Vì vậy, chỉ còn một tháng nữa thì rất khó để đạt được mục tiêu giải ngân trên 95% mà Chính phủ đề ra.
Ông Khôi còn đánh giá, nếu trong quý cuối năm, các động lực đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế đều diễn biến tốt thì GDP cả năm có thể tăng tới 7,25%.
Vị chuyên gia này cho rằng, sự biến chuyển tích cực của nền kinh tế là nhờ những nỗ lực của Chính phủ và những điều hành rất quyết liệt của Đảng, Nhà nước thì trong thời gian ngắn. Đồng thời, cầu thế giới đối với hàng hoá Việt Nam tăng, cũng như khu vực sản xuất trong nước cũng có sự khởi sắc là những yếu tố tạo ra bứt phá về tăng trưởng trong năm 2024.
"Nền kinh tế thế giới dù có sự suy giảm nhưng chúng ta có thị trường rất lớn nhờ vào 16 FTA, vì vậy, nhu cầu hàng hoá đối với Việt Nam tăng mạnh trong năm 2024", ông Khôi nói.
Một động lực quan trọng nữa thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là dòng vốn FDI. Nhìn chung, xu hướng đầu tư FDI trên thế giới giảm nhưng khu vực châu Á lại tăng, đặc biệt là Việt Nam tăng rất mạnh.
Về địa phương, các đầu tàu tăng trưởng như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang chững lại khi đóng góp vào GRDP năm 2025 là 45,69% nhưng đến năm 2023 chủ còn 39,8%. Ngược lại, một số địa phương khác đang vươn lên như Bắc Giang, Bắc Ninh...
Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng, các chính sách mới như: Cơ chế đặc thù cho TP HCM hay Luật Thủ đô sẽ giúp các đầu tàu như TP HCM hay Hà Nội sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng.
Dẫn báo cáo mà IMF đưa ra hồi tháng 10, ông Khôi cho biết, IMF dự báo Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN song mức tăng trưởng chỉ khoảng 6,1%. Tuy nhiên, các dự báo của IMF bao giờ cũng thấp hơn mức tăng trưởng thực tế mà Việt Nam đạt được.
Khu vực FDI đang phát triển theo chiều rộng
Phân tích sâu hơn vào cơ cấu kinh tế, ông Khôi nhấn mạnh, sự chênh lệch giữa khu vực FDI và khu vực nội địa còn lớn, hay nói cách khác Việt Nam có hai nền kinh tế. Trong đó, khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực xuất khẩu đến trên 70%, còn kinh tế trong nước vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng "nếu nói rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng theo chiều rộng bằng việc mở rộng kim ngạch xuất nhập khẩu là không chính xác, nền kinh tế đã tiệm cận dần đến mức tăng trưởng theo chiều sâu".
Đóng góp vào tăng trưởng GDP đến từ hai nguồn: Tăng trưởng năng suất lao động và lao động. Hiện tăng trưởng năng suất lao động đóng góp vào tăng trưởng GDP trong 12 năm gần đây có khoảng 10 năm đạt 55%, mức lý tưởng là 60 - 70%.
Mặc dù khu vực FDI có sự tăng trưởng rất mạnh về giá trị gia tăng nhưng đóng góp của năng suất lao động lại rất thấp. Vì vậy, khu vực này mới tăng trưởng theo chiều rộng. Vì vậy, trong thời gian tới cần có chính sách để lựa chọn FDI có chất lượng. Còn khu vực Nhà nước và khu vực đang tăng trưởng khá bền vững nhờ sự đóng góp của yếu từ tăng năng suất lao động.
Với các doanh nghiệp dệt may, da giày, các doanh nghiệp FDI chủ yếu vào Việt Nam để tận dụng nguồn lao động giá rẻ nên đóng góp của năng suất lao động rất thấp, hiệu quả doanh nghiệp cũng thấp chỉ đạt khoảng 50%.
Mặc dù so với 10 năm trước, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đã tăng lên gần gấp đôi song mức độ hiệu quả chung hiện nay mới chỉ đạt được chưa đến 50% hiệu quả tối đa. Nguyên nhân là do các yếu tố nguồn nhân lực, trình độ quản lý còn yếu kém. Bên cạnh đó, những yếu tố bên ngoài như: Môi trường đầu tư kinh doanh, diễn biến của nền kinh tế thế giới, ứng phó của Việt Nam với các cú sốc trên thế giới cũng chưa đạt được mức tối ưu.
"Hàng năm, riêng ngành dệt may mất đi 58% giá trị gia tăng so với hiệu quả tối ưu. Vì vậy, nếu cải thiện được trình độ lao động, trình độ quản lý, công nghệ, môi trường đầu tư, kinh doanh... thì chỉ riêng ngành dệt may có thể đóng góp thêm 1,8% vào tăng trưởng GDP", ông Khôi nói.