Công nghệ

Chuyển đổi số khu vực công: Khi hạ tầng cũ, nhân lực yếu cản bước tiến hóa số

Nút thắt hạ tầng – rào cản đầu tiên

Phát biểu tại Diễn đàn “Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội” do Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Trí Việt cho biết, thực hiện chuyển đổi số để cải thiện được chất lượng dịch vụ công trực tuyến và cung cấp các dịch vụ công ở mức độ 3 và 4 (theo mô hình của Việt Nam), sẽ giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi.

Từ đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, đến nộp thuế trực tuyến... Tiến trình tiếp theo của chuyển đổi số sẽ là hướng tới cá nhân hóa dịch vụ, với dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được sử dụng để phân tích nhu cầu của người dân, từ đó cung cấp dịch vụ phù hợp hơn, như gợi ý chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên dữ liệu kinh tế.

Một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý e ngại hoặc không sẵn sàng thích nghi với các quy trình số hóa mới, do sợ mất việc hoặc không quen với công nghệ  Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Trí Việt

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng thực tế ngân sách dành cho chuyển đổi số thường bị giới hạn, đặc biệt ở các địa phương hoặc cơ quan cấp cơ sở.

Việc triển khai hạ tầng như trung tâm dữ liệu, mạng lưới 5G, hoặc phần mềm quản lý đòi hỏi chi phí lớn, nhưng nguồn lực tài chính thường không đủ.

Khu vực công thường gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ do mức lương không cạnh tranh so với khu vực tư nhân.

Các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, hoặc phân tích dữ liệu thường chọn làm việc cho các công ty công nghệ lớn. 

Nguyen Huu Thai Hoa.jpg
Nguyễn Hữu Thái Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Trí Việt cho biết, thực tế ngân sách dành cho chuyển đổi số thường bị giới hạn, đặc biệt ở các địa phương hoặc cơ quan cấp cơ sở. Ảnh: VOV

“Việc thiếu một kiến trúc công nghệ thống nhất giữa các cơ quan dẫn đến khó khăn trong việc kết nối dữ liệu, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu dân cư, thuế, hoặc y tế. Đội ngũ cán bộ, công chức thường thiếu kỹ năng sử dụng các công cụ số hóa, đặc biệt ở các khu vực nông thôn hoặc các cơ quan nhỏ. Việc đào tạo lại nhân lực đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý e ngại hoặc không sẵn sàng thích nghi với các quy trình số hóa mới, do sợ mất việc hoặc không quen với công nghệ”, ông Hòa nêu khó khăn thực tế.

Tư duy công nghệ thuần túy làm nghèo tầm nhìn kinh tế

PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, chuyển đổi số khu vực công không chỉ là lựa chọn kỹ thuật mà là quyết định chiến lược, mang tính chất cải cách mô hình quản trị và nâng cao năng lực kiến tạo thị trường của Nhà nước. Với vai trò dẫn dắt về thể chế, hạ tầng và đổi mới, khu vực công chính là động lực chính trong việc kiến tạo hệ sinh thái kinh tế số toàn diện.

"Để thành công, chuyển đổi số khu vực công cần được tiếp cận từ góc nhìn kinh tế - chính sách, lấy hiệu quả phân bổ nguồn lực công và gia tăng năng suất toàn xã hội làm mục tiêu cuối cùng. Đây là một tiến trình không thể đảo ngược và cần tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn 2025-2030 như một trụ cột của tăng trưởng bền vững và đổi mới quốc gia", ông Long nói.

Ngo Tri long.jpg
PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, chuyển đổi số khu vực công không chỉ là lựa chọn kỹ thuật mà là quyết định chiến lược, mang tính chất cải cách mô hình quản trị và nâng cao năng lực kiến tạo thị trường của Nhà nước. Ảnh" VOV

Theo chuyên gia, Nhà nước cần giữ vai trò dẫn dắt kiến tạo - không chỉ là người cung cấp dịch vụ. Khu vực công không chỉ chuyển đổi nội bộ mà còn kiến tạo hệ sinh thái số cho toàn xã hội.

Để thành công, chuyển đổi số khu vực công cần được tiếp cận từ góc nhìn kinh tế - chính sách, lấy hiệu quả phân bổ nguồn lực công và gia tăng năng suất toàn xã hội làm mục tiêu cuối cùng.   PGS. TS Ngô Trí Long 

 Thế nhưng một bất cập khác đến từ cách tiếp cận chuyển đổi số còn thiên về công nghệ, thiếu góc nhìn kinh tế - tổ chức.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nếu chỉ coi số hóa là việc cài phần mềm, mua thiết bị, mà không gắn với việc cải tổ mô hình quản trị và phân bổ hiệu quả nguồn lực công, thì chuyển đổi số sẽ chỉ dừng lại ở “hình thức hiện đại, tư duy cũ kỹ”.

Thực chất, đây là quá trình cải cách có tính cấu trúc ở tầm quốc gia, liên quan đến năng suất của bộ máy hành chính và khả năng điều tiết thị trường của Nhà nước.

Chuyển đổi số không thể là nhiệm vụ riêng của ngành công nghệ, mà là một lựa chọn chính sách chiến lược, cần được đo lường bằng hiệu quả kinh tế.

Không chỉ vướng về công nghệ, khu vực công còn đang “đuối sức” về nhân lực và ngân sách. Mức lương kém cạnh tranh khiến các chuyên gia AI, an ninh mạng, dữ liệu lớn khó chọn làm việc trong cơ quan Nhà nước.

Trong khi đó, cán bộ hiện tại, đặc biệt ở cấp cơ sở, thiếu kỹ năng số và tâm lý sợ thay đổi, dẫn đến chậm thích ứng.

“Có nơi vẫn còn cán bộ né tránh dùng cổng dịch vụ công vì không quen thao tác, hoặc lo sợ mất việc nếu quy trình được số hóa toàn diện”, ông Thái Hòa nêu thực tế.

Không chỉ vậy, hệ thống pháp lý về chuyển đổi số còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là các quy định về định danh điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành, gây khó khăn trong kết nối hệ thống. Khi luật đi sau công nghệ, thì mọi ý tưởng cải cách đều đứng trước nguy cơ “bị trói tay”.

Cần một lộ trình đồng bộ, nhìn chuyển đổi số như một cuộc cải cách thể chế

Tại diễn đàn này cũng ghi nhận quan điểm chung: chuyển đổi số khu vực công chỉ có thể thành công nếu được đặt trong tổng thể cải cách thể chế và đổi mới mô hình quản trị quốc gia.

Đây không phải “nhiệm vụ kỹ thuật”, mà là nền tảng của mô hình phát triển mới – nơi Nhà nước không chỉ là “người cung cấp dịch vụ”, mà phải đóng vai trò kiến tạo thị trường số và thúc đẩy hiệu quả đầu tư công.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư bền vững vào hạ tầng dữ liệu và trung tâm tính toán, xây dựng kiến trúc công nghệ thống nhất, liên thông toàn hệ thống và ban hành các quy định pháp lý cập nhật, bảo vệ dữ liệu, chia sẻ thông tin.

Các chuyên gia cho rằng cần đào tạo lại cán bộ theo hướng “công chức số” và thu hút khu vực tư nhân phát triển ứng dụng AI, blockchain cho khu vực công.

Nếu không tháo gỡ được các “nút thắt” nói trên, chuyển đổi số sẽ khó thoát khỏi tình trạng manh mún, hình thức, và không đủ sức trở thành động lực tăng trưởng như kỳ vọng của Nghị quyết 57-NQ/TW.

Các tin khác

Hấp lực khó cưỡng của hai sắc xanh trên Galaxy Z Fold7

Thiết kế mỏng nhẹ nhất từ trước đến nay của dòng Galaxy kết hợp cùng các tông màu thời thượng khiến Galaxy Z Fold7 trông vô cùng sang trọng, đẳng cấp. Các tông Xanh của sản phẩm thậm chí còn được quan tâm không kém camera 200MP chuẩn Ultra hay Galaxy AI hiểu tiếng Việt.

Prodezi lọt Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững 2025

Trong khuôn khổ Giải thưởng Corporate Sustainability Awards (CSA) 2025, Công ty Cổ phần Prodezi Long An (Prodezi) vinh dự được xướng tên trong Top 50 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững trong hạng mục Tiên phong giảm thiểu rác thải.

Công đoàn cấp tỉnh giảm 1.000 biên chế sau sắp xếp

Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, cả nước còn hơn 8,6 triệu đoàn viên công đoàn, giảm 3,66 triệu đoàn viên. Số người làm việc tại cơ quan LĐLĐ tỉnh, thành phố từ 2.571 người giảm còn 1.399 người, trong đó giảm 1.000 biên chế.

Bão số 3 (Wipha) áp sát, đặc khu Cô Tô sơ tán dân lên bờ

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha), chính quyền đặc khu Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã khẩn trương triển khai các phương án sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản khi bão đổ bộ.

Đẫm nước mắt đón con trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long

Sự ra đi đột ngột của người con trai - trụ cột duy nhất của gia đình - như nhát dao cứa vào tim đôi vợ chồng già yếu. Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt đỏ hoe, bà Bình nghẹn ngào: "Không biết rồi chúng tôi sẽ phải sống tiếp thế nào, làm sao vượt qua được nỗi đau này..."