Tại Toạ đàm trực tuyến Data Talk tháng 9/2024 với chủ đề "Nỗi lo suy thoái, Fed, và chiến lược đầu tư trước ngưỡng 1.300" do VietnamBiz phối hợp cùng Công ty Giải pháp Dữ liệu WiGroup tổ chức, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích của CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đã đưa ra dự báo về kịch bản cắt giảm lãi suất của Fed và triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bà Liên cho rằng kịch bản dự báo thoái kinh tế là rất khó. "Thời điểm 2022, nhiều nhà kinh tế nói rằng kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ trải qua suy thoái. Bloomberg thậm chí còn dự báo rằng 100% kinh tế Mỹ sẽ suy thoái 2023, nhưng kinh tế Mỹ thực tế vẫn duy trì đà tăng trưởng.", vị chuyên gia nhắc lại.
Sau khi những chỉ số liên quan đến việc làm, lạm phát được công bố, các lợi suất trái phiếu có kỳ hạn ngắn đã giảm rất nhiều so với kỳ hạn dài, thể hiện quan điểm thị trường ngắn hạn đang kỳ vọng việc Fed sẽ mạnh tay cắt giảm lãi suất.
Tháng trước, khi Quy tắc Sahm bị vi phạm, lập tức thị trường đã dự báo việc Fed sẽ phải họp khẩn để cắt giảm lãi suất (đã không xảy ra). Sau đó, thị trường trở lại bình thường. Dữ liệu CPI lõi của Mỹ vẫn khá cao hơn một chút so với dự báo của thị trường, theo bà Liên là yếu tố còn cản trở.
Trong tuần tới, thị trường đang tin vào kịch bản Fed sẽ lần đầu cắt giảm lãi suất sau một thời gian dài hai năm qua, với mức 25 điểm cơ bản. Một số yếu tố có thể làm Fed mạnh tay hơn (như cắt giảm 50 điểm cơ bản). Tuy nhiên, các yếu tố liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ rất đáng chú ý, Fed sẽ thường hạn chế động thái nới lỏng lãi suất trong giai đoạn nhạy cảm này.
Kịch bản chung đang kỳ vọng Fed sẽ ba lần cắt giảm lãi suất với cùng mức 25 điểm cơ bản cho đến cuối năm nay (tổng cộng là 75 điểm cơ bản). Quan trọng hơn, các chỉ báo đang cho thấy dự báo mức giảm sẽ mạnh hơn nữa trong 2025 khi khả năng suy thoái gia tăng.
Với kinh tế Việt Nam, theo dữ liệu mới công bố tháng 8, lạm phát đang ở mức 4%. Một số dấu hiệu tích cực là giá xăng dầu giảm. Theo PHS dự báo, lạm phát về cuối năm sẽ về ổn định dưới 4%, khoảng 3,6%, là yếu tố hỗ trợ cho thị trường.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng đang theo dõi một yếu tố bất ngờ vừa xảy ra là bão Yagi đã khiến giá cả khu vực miền Bắc tăng nhanh, nhất là lương thực, thực phẩm.
Đối với hoạt động bán lẻ, bà Liên cho biết hiện không có nhiều cải thiện. Đặc biệt trong “tháng Ngâu” (tháng 7 âm lịch), nhu cầu mua sắm và đi lại trong nước suy yếu hơn. Mức tăng trưởng tháng 8 chỉ đạt khiêm tốn 7,5%.
Mặt khác, hầu hết các nhóm ngành hàng hóa chủ lực đều duy trì mức hồi phục khá tốt từ đầu năm. Việt Nam vẫn có lợi thế về xuất khẩu trong bối cảnh một số khu vực trên thế giới, vốn cạnh tranh với Việt Nam, lại đang gặp căng thẳng địa chính trị.
Đồng thời, điều này cũng có thể giúp thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam. Số lượng và quy mô dự án đầu tư vào Việt Nam đều có xu hướng tăng. Một quan sát khác, vốn đầu tư FDI bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, khi nhà đầu tư nâng cao niềm tin hơn vào thị trường Việt Nam.
Liên quan đến đầu tư, bà Liên cho biết tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể từ đỉnh. Thị trường đang kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng mua ngoại tệ.
Lãi suất có tăng nhưng vẫn chỉ mới quanh mức 5-5,5%/năm, không cao so với trước đây. Vị chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất ở mức ổn định, để hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục và khắc phục hậu quả sau bão. Trường hợp tỷ giá giảm sâu, Ngân hàng Nhà nước có động thái mua ngoại tệ vào sẽ là cú hích cho thị trường chứng khoán, khi lượng cung tiền là rất lớn.
Trong bối cảnh hiện tại, thị trường chứng khoán đã có phân hóa rất mạnh trong các tháng qua, giữa các nhóm ngành, thậm chí giữa các cổ phiếu cùng ngành. Ví dụ như ngân hàng, nhóm tập trung cho vay doanh nghiệp có sự hồi phục tốt hơn nhóm tập trung cho vay tiêu dùng, bán lẻ.
Theo đó, nhà đầu tư nên quan tâm đến các nhóm ngành có mức định giá hấp dẫn, đơn cử như ngân hàng.